Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế, ếch “bìu” – sống hoàn toàn ở dưới nước, có lớp da màu xanh chảy xệ và nhăn nheo - là loài ếch chỉ được tìm thấy tại hồ Titicaca. Đây là hồ lớn nhất ở Nam Mỹ.
Trong vài năm qua, số lượng ếch “bìu” tại khu vực này suy giảm đáng kể khiến nó được xếp vào loài có nguy cơ tuyệt chủng. Nguyên nhân chính là do người dân đổ xô đi bắt loại ếch này làm thức ăn. Ngoài ra, cá hồi Bắc Mỹ ăn trứng ếch cũng là lý do khiến quần thể ếch “bìu” bị suy giảm nghiêm trọng.
Việc hàng ngàn con ếch “bìu” chết và trôi nổi tại hồ Titicaca buộc Cơ quan Lâm nghiệp và Động vật hoang dã Peru vào cuộc điều tra. Cơ quan này cho biết báo cáo ban đầu cho thấy khoảng 10.000 con ếch chết rải rác trên một khu vực trải dài 48 km.
Hàng trăm con ếch “bìu” cũng được phát hiện chết bất thường trên mặt sông Coata, phía Nam Peru, giữa thời điểm xuất hiện nghi vấn nước con sông này bị ô nhiễm. Ủy ban Chống ô nhiễm sông Coata tố cáo chính quyền địa phương phớt lờ cảnh báo của họ về mức độ ô nhiễm nặng nề của con sông.
Để phản đối, họ mang theo 100 con ếch chết tới quảng trường trung tâm ở Puno. Lãnh đạo cuộc biểu tình Maruja Inquilla kêu gọi các cơ quan chức năng nên chú ý tới vấn đề ô nhiễm mà ủy ban này đã cảnh báo và nói: “Tôi phải cho họ thấy những con ếch chết. Chính quyền không nhận ra chúng ta đang sống như thế nào. Họ không mảy may quan tâm đến vấn đề ô nhiễm. Tình hình đang rất căng thẳng”.
Ếch “bìu” có tên khoa học là Telmatobius culeus. Chúng dễ nhận biết bởi nhiều nếp gấp ở da, cũng có tác dụng giúp loài ếch này “thở” trong môi trường sống ở các vùng núi cao thuộc dãy Andes. Chúng được liệt vào hàng cực kỳ nguy cấp và đã giảm 80% số lượng trong vòng 15 năm qua.