Ảnh minh họa. Nguồn: HUNG VUONG CORP
Một DN XK cá tra sang Châu Âu chia sẻ: Hiện tại chỉ có những DN có vùng nuôi mới có lợi nhuận chút ít khi chấp nhận giá của các nhà NK Châu Âu trả cho sản phẩm cá tra của họ. Trước đây, chỉ vì lo cho “nồi cơm” của mình nên DN đã chấp nhận “giá bèo” của các nhà NK trả cho cá tra cho dù lời lãi rất ít. Nhưng giờ đây DN sẽ không tiếp tục thỏa hiệp với giá mua này của các nhà NK. DN này cũng cho biết thêm: tạm ngừng XK vài ba tháng cũng có nghĩa là khoản tiền lời ít ỏi từ thị trường chiếm gần 60% tỷ trọng XK của DN sẽ không còn nhưng DN tin rằng nếu tất cả các DN khác cùng tạm thời chấp nhận “hy sinh” lợi ích của riêng mình thì sau đó sẽ tạo được mặt bằng giá mới tại Châu Âu và như vậy, DN nào cũng được hưởng lợi. DN này tin tưởng rằng cộng đồng DN sẽ làm được điều đó vì cá tra đã được XK tới trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ thì không có lý do gì không thể tạm ngừng XK sang một thị trường trong một thời gian ngắn.
Những lời tâm sự này của DN khiến người viết bài này bất chợt nhớ lại câu chuyện ngụ ngôn về việc bẻ bó đũa. Chuyện kể rằng: Có một ông già sinh được bốn người con. Một hôm, ông đặt trên bàn một bó đũa, một túi tiền rồi gọi các con lại và bảo: Trong các con, ai bẻ gãy được bó đũa này cha sẽ thưởng cho túi tiền. Các người con cố hết sức mà không sao bẻ gãy được bó đũa. Ông bèn cởi bó đũa ra, rồi bẻ gãy từng chiếc một cách dễ dàng. Bốn người con cùng nói: Thưa cha, lấy từng chiếc ra mà bẻ thì có khó gì! Ông liền bảo: Đúng! Như thế là các con đều thấy rằng chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Vậy các con phải biết hợp quần và đùm bọc lấy nhau, có hợp quần thì mới có sức mạnh. Câu chuyện này đưa đến suy nghĩ: Nhà NK chỉ có thể “bẻ từng chiếc đũa”, nghĩa là “bắn tỉa” từng DN nếu như còn một DN nào đó chỉ nghĩ đến lợi ích nhỏ bé của riêng mình.
Với Châu Âu - thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất, khi nhà NK trả giá thấp sẽ gây ra “hiệu ứng domino” không tốt cho các thị trường còn lại. Theo các DN, hiện tại nhà NK Mỹ và các nhà NK tại một số thị trường quan trọng khác cũng đang muốn trả giá thấp như các nhà NK Châu Âu.
Hiện nay, nguồn cung cá thịt trắng đang thiếu hụt trong khi nguyên liệu trong nước cũng không được dồi dào nên đây là thời điểm thích hợp để các DN lấy lại thế chủ động là quốc gia “độc tôn” về sản phẩm cá tra trên thị trường thế giới và có quyền định đoạt giá bán sản phẩm của mình. Các doanh nhân đã từng là những người gắn bó với cá tra từ nhiều thập kỷ nay và cũng là những người từng nhiều năm “mang chuông đi đánh xứ người”, đã góp công đưa cá tra từ một loài cá bản địa đi tới khắp năm châu, trở thành một sản phẩm thủy sản độc đáo của Việt Nam trên toàn cầu thì giờ đây, họ cũng đầy tâm huyết để tìm cho cá tra một đường hướng phát triển bền vững, ổn định và dài lâu.
Vào dịp Ngày Truyền thống ngành thủy sản (¼) hàng năm, tại nhiều địa phương trong cả nước vẫn phát động phong trào thả tôm cá ra sông ra biển để góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đây là hoạt động rất thiết thực. Một người nuôi cá tại An Giang chia sẻ, vậy nên chăng Nhà nước có thể hỗ trợ người nuôi cá tra bằng cách mua lại cá rồi thả ra sông và coi đó như là nhằm tái tạo nguồn lợi, còn hơn để cả người nuôi và DN XK bán cá giá thấp, vừa lỗ vốn vừa mang tiếng là cá giá rẻ, thậm chí làm mất đi hình ảnh của cá tra trên thị trường thế giới? Liệu đó có phải là sự hiến kế của một nông dân cả đời “sống chết” với con cá này?
DN và người nuôi cá đã bỏ nhiều công nuôi và chế biến để có được sản phẩm cá tra chất lượng tốt. Nhưng đến cuối cùng, nhà NK lại trả giá thấp là vì sao? Đã có những DN nói “không” với giá thấp do các nhà NK Châu Âu đưa ra. Nhưng bên cạnh vẫn còn đâu đó những “con sâu” đang cố ý hoặc vô tình “làm rầu” nồi canh mà người nuôi cá và các DN làm ăn chân chính đã cố gắng làm nên. Vì vậy, có lẽ cần công khai danh tính các DN bán rẻ, bán lỗ để người nuôi không bán cá cho họ nữa, tránh mang tiếng “tiếp tay” cho những hành vi làm ảnh hưởng đến cả cộng đồng.