hế biến cá tra xuất khẩu tại một nhà máy ở Cần Thơ - Ảnh: Trung Chánh
“Chông chênh” cá tra
Tính đến cuối tháng 6-2012, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã đạt 2,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, như vậy, để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,8 tỉ đô la, 6 tháng cuối năm nay các doanh nghiệp xuất khẩu phải mang về thêm 3,9 tỉ đô la nữa.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, để đạt được 3,9 tỉ đô la trong 6 tháng cuối năm nay là điều rất khó vì hiện tình hình xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vốn sản xuất và thị trường xuất khẩu bị co hẹp.
Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết tại hội nghị: “Sơ kết tình hình sản xuất tiêu thụ cá tra 6 tháng đầu năm 2012 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012” vừa được tổ chức tại Đồng Tháp vào cuối tháng 6 này rằng, so với năm 2011, chi phí vận tải biển trong năm 2012 đã tăng 70%; chi phí lao động, điện, môi trường cũng tăng 40%. Đồng euro mất giá 25% trong khi đó tiền Việt Nam vẫn ổn định… Đây là những yếu tố gây áp lực về vốn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu của năm 2012.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep cũng nói: “Gần đây xuất khẩu cá tra sang EU đã giảm rất mạnh, từ chỗ tiếp nhận 40% tổng khối lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam trong những năm trước đây thì hiện lượng cá tra xuất khẩu vào thị trường này đã sụt giảm đến 12%”.
Theo Vasep, nguyên nhân xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm mạnh do chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng nợ công và áp lực thuế phí. Cụ thể, giá trị xuất khẩu thủy sản sang Đức giảm trên 26%, sang Ý giảm 16,3% và sang Hà Lan giảm gần 11%...
Riêng đối với mặt hàng tôm xuất khẩu, thông tin từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) cho biết, nhiều khả năng Bộ Y tế- Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam) sẽ hủy bỏ việc kiểm soát dư lượng chất Ethoxyquin.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là dự kiến, vẫn chưa có một quyết định chính thức nào từ phía đối tác nên khả năng tôm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này vẫn còn đầy “chông gai”. Mục tiêu đạt 3,9 tỉ đô la Mỹ từ xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng còn lại vẫn “chông chênh”.
Kẹt tại “sân nhà”
Vệc EU giảm nhập khẩu thủy sản có thể bù đắp được thông qua việc Mỹ, Hồng Kông tăng khối lượng nhập lên. Thế nhưng, theo các doanh nghiệp thủy sản, những khó khăn xuất phát từ trong nước mới là điều đáng lo ngại.
Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Vasep nói: “Ngành chế biến thủy sản đang đứng trước một cái "chết", cái "chết" này là chết trên sân nhà. Chúng ta có một ưu thế rất lớn về thị trường tiêu thụ nhưng do cơ chế vận hành của ngân hàng, từ lãi suất đến hạn mức cho vay… đã bóp chết hoạt động luân chuyển đồng vốn của doanh nghiệp. Từ đó, buộc các doanh nghiệp, kể cả người nông dân phải bán sản phẩm ra với bất cứ giá nào để trả nợ”.
Theo ông Minh, nếu không có biện pháp, cơ chế tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản thì tình hình doanh nghiệp bán phá giá, nông dân không có vốn tái đầu tư sẽ tăng lên và khả năng đạt được mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu trong năm nay là rất khó.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra ở tỉnh này ngày càng nhiều và diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, tính đến giữa tháng 5-2012, chỉ riêng Trà Vinh đã có trên 8.000 héc ta diện tích tôm nuôi bị thiệt hại, làm mất khoảng 15.000 tấn tôm nguyên liệu, tương đương thiệt hại 800 – 900 tỉ đồng.
“Để khắc phục tình trạng tôm chết, bổ sung nguồn nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu, tỉnh đã cho thả nuôi lấp vụ. Thế nhưng, có bù được sản lượng đã mất hay không vẫn còn ở phía trước”, ông Phong cho biết.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương nuôi tôm, tính đến nay dịch bệnh trên tôm ước gây thiệt hại khoảng 5.000 tỉ đồng với hàng chục ngàn héc ta diện tích mặt nước nuôi tôm bị thiệt hại, tập trung nhiều nhất là ở Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng…