Khó đạt kim ngạch 6,5 tỷ USD
Bà Dương Phương Thảo - Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: "Mức tăng trưởng của ngành thủy sản năm 2012 chủ yếu tập trung vào quý I, chậm lại vào quý II và có biểu hiện suy giảm vào quý III. Trong đó, tôm bị dịch bệnh và bị cạnh tranh gay gắt ở các thị trường Thái Lan và Ấn Độ; còn cá tra thì giá nguyên liệu tăng, giá tiêu thụ thấp. Do vậy rất khó đạt được mức 6,5 tỷ USD như kế hoạch năm 2012".
Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp phải phá sản, người nuôi treo ao. Theo nhận định của các chuyên gia, trong 5 năm gần đây, do chính sách tăng trưởng tín dụng quá nóng và sự dễ dãi của hệ thống ngân hàng, hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản không đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn được xây dựng tại ĐBSCL, dẫn đến việc tranh mua, tranh bán, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả sản xuất của ngành thủy sản. Ước tính, đã có hơn 80% nhà máy ra đời do tăng trưởng tín dụng nóng đang đứng bên bờ phá sản…
Riêng đối với ngành tôm, từ năm 2011 đến nay, hầu hết diện tích tôm nuôi ở ĐBSCL đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài. Đây là hậu quả của việc phát triển diện tích một cách ồ ạt không theo quy hoạch vùng cụ thể. Nông dân và nhà máy chế biến vẫn chưa theo quy trình sản xuất an toàn. Vì vậy, tôm của Việt Nam vẫn gặp nhiều rào kỹ thuật khi xuất khẩu vào thị trường truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Mùa vụ năm 2011 và 2012 tỉnh bị thiệt hại trên 4.000 tỷ đồng vì tôm chết".
Hạn chế cạnh tranh không lành mạnh
Theo nhận định của hầu hết nhà khoa học, nhà quản lý, ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản hiện nay chỉ mới phát triển về lượng. Tiêu biểu như mặt hàng cá tra, tuy là một thế mạnh xuất khẩu hiện nay của Việt Nam, nhưng sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của một số doanh nghiệp dẫn đến giá thu mua trong nước thấp.
Ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp kiến nghị: "Chính phủ cần phải đặt ra một quy định cụ thể về giá sàn. Các doanh nghiệp khi xuất khẩu phải tuân theo giá này để nâng giá thu mua trong nước".
Về lâu dài, cầu phải có phải có giải pháp quy hoạch lại vùng nuôi, nâng cao giá trị các mặt hàng thủy sản nhằm giúp nông dân đạt được lợi nhuận tối đa. Trong đó, nhà nước phải đóng vai trò giám sát nhằm hạn chế tình trạng các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh như hiện nay.
TS Nguyễn Văn Hảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đề xuất: "Các địa phương cần hướng người dân đến quy trình sản xuất theo mô hình VietGAP. Có như vậy, thì chúng ta mới không bị những rào cản kỹ thuật từ những nước nhập khẩu".
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng: "Cần phải tổ chức lại quá trình đàm phán ký kết hợp đồng xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chủ lực. Ở đó, các hiệp hội, các tổ chức phải giữ vai trò chủ đạo. Sẽ nhanh chóng thúc đẩy việc xúc tiến tìm nguồn vốn ngoài ngân sách để vực dậy ngành thủy sản đang tăng trưởng chậm trong những tháng cuối năm 2012".
"Phải kêu gọi đầu tư cho ngành thủy sản bằng nguồn vốn ODA, FDI và các nguồn vốn quốc tế khác" - Ông Vũ Văn Tám