Ông Dương Thanh Tuấn chia sẻ, mô hình nuôi cá lóc trong ao gò cho hiệu quả cao so với nuôi cá bè trên sông Vàm Cỏ Đông- vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, mô hình còn góp phần làm tăng giá trị sử dụng nguồn nước, tạo sản phẩm thuỷ sản có chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng.
Chỉ với 1.000m2 ao gò, ông Dương Thành Tuấn, xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh thả nuôi 35.000 cá lóc giống. Ai tới thăm ao cá lóc nhà ông cũng thốt lên thích thú trước cảnh tượng hàng chục ngàn con cá lóc phi lên giàn tranh nhau lên đớp mồi.
Ông Tuấn cho biết, trước đây, ông nuôi cá lóc bè trên sông Vàm Cỏ Đông (tại ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh). Do nước sông thường xuyên bị ô nhiễm nặng làm chết cá, nên ông chuyển sang nuôi cá lóc bông trong ao gò.
Trường Hoà có nguồn nước thuỷ lợi ổn định, thích hợp cho việc nuôi cá nước ngọt. Nhiều năm nay, nông dân trên địa bàn xã nuôi nhiều loại cá như trắm cỏ, rô phi, mè, trôi... nhưng lợi nhuận đạt thấp. Sau khi tìm hiểu, ông Tuấn nhận thấy cá lóc bông là loài thuỷ sản phù hợp để nuôi và cho giá trị kinh tế cao.
Ông Tuấn mua cá lóc bông giống từ An Giang về ươm trong vèo 30 ngày mới thả ra ao. Công đoạn chuẩn bị ao nuôi rất đơn giản: tháo cạn nước, phơi ao từ 3-5 ngày mới cho nước vào 1/3 ao, bờ ao được phủ bạt ni-lông và vây lưới xung quanh, sau 10 ngày nước trong ao chuyển sang màu xanh đọt chuối mới tiến hành thả cá nuôi.
Thức ăn cho cá dễ kiếm, chủ yếu là cá tạp từ các chợ thu gom về và cho vào máy cắt nhỏ. Mỗi ngày cho cá ăn một lần. Cá lóc bông nuôi trong ao gò 9 tháng thì thu hoạch. Ngoài cá lóc bông, ông Tuấn còn nuôi cá rô đầu nhím bằng thức ăn hỗn hợp, có chi phí đầu tư thấp, nuôi 45 ngày có thể thu hoạch. Tiền lãi từ bán cá rô đầu nhím là nguồn vốn để nuôi cá lóc bông.
Qua hơn 1 năm thực hiện mô hình trên diện tích ao 1.000m2 (khoảng 35.000 con), ông Tuấn cho biết hiệu quả mang lại rất cao, sản lượng cá đạt 50 tấn/vụ, sau khi trừ hết chi phí, ông Tuấn thu lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.