Truy tìm căn nguyên dịch bệnh tôm
Năm 2012, sự thiếu hụt nguyên liệu của các DN chế biến XK tôm đã lến đến đỉnh điểm, không chỉ ở khu vực ĐBSCL mà trên phạm vi cả nước và cả nhiều nước XK tôm lớn khác, khi dịch bệnh tôm tiếp tục hoành hành, đặc biệt do hội chứng tôm chết sớm (EMS) mà nguyên nhân vẫn chưa được xác định. Tình thế ở nước ta và nhiều khu vực trên thế giới vẫn chưa mấy sáng sủa, khiến giá tôm nguyên liệu trong nước liên tục tăng cao, đồng thời giá sản phẩm tôm chế biến trên nhiều thị trường có xu hướng tăng dần.
Là nhà sản xuất, XK tôm lớn nhất nước và có tầm cỡ cả trên phạm vi thế giới, Công ty CP Tập đoànThủy sản Minh Phú tiêu thụ khối lượng nguyên liệu đến 180 tấn/ngày. Bởi vậy, Minh Phú luôn xem việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại trong kinh doanh của công ty. Chỉ trong năm 2012, dịch bệnh đã gây thiệt hại lên đến 80% hệ thống nuôi tôm của Minh Phú với giá trị trên 100 tỷ đồng. Đây là quy mô tổn thất mà Công ty chưa từng phải gánh chịu từ trước đến nay. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, hiện nay Minh Phú vẫn chỉ tự chủ được khoảng 10% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến tại các nhà máy của mình.
Đa dạng hóa nguồn nguyên liệu
Ở các vùng nuôi của mình, Minh Phú luôn cập nhật ứng dụng công nghệ mới, nghiên cứu xây dựng các mô hình nuôi tôm thương phẩm tiên tiến đạt năng suất cao, giá thành hạ, đảm bảo an toàn sinh học bền vững. Đến nay, các vùng nuôi của công ty đều áp dụng công nghệ Biofloc, có ưu thế giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, tăng năng suất, tiết kiệm chi phí thức ăn cho người nuôi tôm.
Với những nỗ lực đã thực hiện, mặc dù dịch bệnh trên tôm vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, bước đầu Minh Phú đã thu được kết quả nhất định. Ông Chu Văn An, Phó TGĐ Công ty, cho biết: “Đầu năm 2013 chúng tôi đã nuôi tôm thử nghiệm trên 17 ao tại Kiên Giang. Đến nay tôm đã được trên một tháng tuổi, phát triển rất tốt, chưa thấy biểu hiện dịch bệnh. Với kết quả bước đầu này, chúng tôi hy vọng việc kiểm soát dịch bệnh trên tôm trong năm 2013 sẽ khả quan hơn so với năm 2012”.
Theo các chuyên gia bệnh tôm đang làm việc tại Công ty, nghiên cứu của họ đã thu được kết quả ban đầu và đang tiếp tục khẳng định trước khi công bố.
Bên cạnh việc tự sản xuất tôm Phân xưởng chế biến nguyên liệu, Minh Phú đồng thời thực hiện giải pháp liên kết, hợp tác 3 bên với các DN chế biến thức ăn tin cậy và nông dân nuôi tôm nhằm tạo nguồn thu mua tôm nguyên liệu ổn định, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng và VSATTP.
Công ty đã ký hợp đồng liên kết với Grobest, DN sản xuất thức ăn thủy sản đầu tiên tại Việt Nam được Tổ chức chứng nhận Nuôi trồng Thủy sản (ACC) cấp chứng nhận Thực hành Nuôi trồng Thủy sản tốt nhất (BAP) của Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA), nhờ đó, sản phẩm của công ty đáp ứng tiêu chuẩn của tổ chức này cho toàn bộ quy trình (con giống, thức ăn, nuôi và chế biến). Minh Phú sẽ thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường tôm nguyên liệu từ các vùng nuôi sử dụng thức ăn của Grobest, nuôi theo quy trình, có nhật ký nuôi dưới sự hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật Grobest. Sự liên kết giữa Minh Phú và Grobest không chỉ mang lại lợi ích cho 2 DN mà còn góp phần giúp người nuôi tôm có thêm hy vọng, an tâm để tiếp tục sản xuất trong thời điểm khó khăn như hiện nay.
Trong điều kiện nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước hạn hẹp, luôn bị thương lái nước ngoài chèn ép tranh mua, khiến giá tôm luôn ở mức rất cao như vừa qua, NK nguyên liệu cũng là một nguồn cung tôm đáng kể đối với Minh Phú. Theo ông Nguyễn Văn Quang, Tổng GĐ Công ty, tuy gặp nhiều trở ngại nhưng tại nhiều thời điểm, tôm nguyên liệu NK từ các nước láng giềng đưa về đến nhà máy của công ty vẫn có giá thành thấp hơn đến 20% so với tôm nguyên liệu mua trong nước. Tôm nguyên liệu NK còn không bị rủi ro nhiễm các chất bị cấm. Đó cũng là nguồn mang lại lợi nhuận đáng kể cho Công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm vừa qua.
Những nỗ lực toàn diện đã giúp Minh Phú đi qua năm 2012 một cách tương đối thành công, XK hơn 32 nghìn tấn sản phẩm tôm, thu về gần 370 triệu USD giá trị XK. Đó là những cơ sở để Công ty đặt quyết tâm XK đạt giá trị 400 triêu USD trong năm nay.