Để giải quyết vấn đề này, ổn định sản xuất cá tra nguyên liệu đang là vấn đề cấp thiết, nhất là giải quyết bài toán giống.
Nuôi cá tra ở ĐBSCL (Ảnh: Minh Sáng)
Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL hiện vẫn đang ở mức rất cao. Tuy nhiên, không mấy người nuôi cá tra được hưởng lợi từ mức giá này, bởi không còn cá mà bán.
Theo ông Nguyễn Văn Đời, một chủ trại cá tra lớn, với diện tích 10ha ở cù lao Tân Phong (Tiền Giang), phần lớn các ao nuôi cá tra ở cù lao này đã thu hoạch và bán hết khi cá tra nguyên liệu ở mức giá 24.000 - 25.000 đ/kg. Hiện dưới ao chỉ có cá mới thả nuôi chưa lâu. Ông Nguyễn Hữu Nguyên, GĐ HTX Thủy sản Châu Phú (An Giang), cho biết, hầu hết các ao nuôi ở đây cũng không còn cá để thu hoạch.
Điều đáng nói là tình trạng thiếu hụt nguồn cung cá tra nguyên liệu trong năm 2017 đã được nhiều DN cảnh báo từ năm ngoái, nhưng vẫn cứ xảy ra. Nguyên nhân trước hết là do trong 3 năm từ 2014 - 2016, giá cá tra nguyên liệu thường ở mức thấp, khiến nhiều người nuôi bị thua lỗ, phải treo ao hay chuyển nghề nuôi khác. Bên cạnh đó, là việc mất mùa cá tra giống cuối năm 2016 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thả nuôi cá tra của nhiều trang trại trong năm nay.
Mặt khác, chất lượng cá tra giống cũng đang khiến cho nhiều DN, trang trại không yên tâm thả nuôi. Theo báo cáo của TS Dương Nhựt Long (Khoa Thủy sản, ĐH Cần Thơ), tại Lễ tổng kết Dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam, tỷ lệ sống của cá tra trong quá trình ương giống rất thấp, hiện chỉ từ 6 - 10%. Sau khi thả giống, tỷ lệ cá chết khá cao, từ 10 - 30%, tỷ lệ sống của cá tra nuôi thịt hiện mới chỉ đạt 69 - 80%.
Chính vì vậy, để ổn định nghề nuôi cá tra, việc nâng cao chất lượng con giống đang được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Một thông tin đáng chú ý là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL tại An Giang”.
Cụ thể: cấp 1 gồm các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, trường ĐH và DN có đủ điều kiện cung cấp đàn cá tra bố mẹ tuyển chọn các tính trạng tốt để chuyển giao cho đơn vị cấp 2; cấp 2 gồm Trung tâm giống thủy sản An Giang, trung tâm giống thủy sản cấp 1 của các tỉnh, các DN có cơ sở sản xuất giống, các trại giống liên kết sản xuất, cung cấp cá tra bột; cấp 3 là các cơ sở ương dưỡng từ cá bột lên cá hương giống. Mục tiêu là đến năm 2020, diện tích tham gia chuỗi liên kết đạt 1.000ha, chiếm 50% diện tích ương giống cá tra khu vực ĐBSCL; cung cấp cho toàn vùng khoảng 50% con giống (tương đương 1,75 tỉ con giống); đến năm 2025 cung cấp 70% con giống (tương đương khoảng 2,8 tỉ con giống).
Điều đáng chú ý của Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp là đã thu hút được sự tham gia của các DN. Chẳng hạn, Tập đoàn Việt - Úc đã quyết định đầu tư vùng sản xuất cá tra giống chất lượng cao với diện tích 100ha ở thị xã Tân Châu (An Giang).
Bộ NN-PTNT cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của DN trong hệ thống sản xuất giống cá tra, nhất là những DN đã khẳng định được năng lực trong nghiên cứu, chọn tạo giống thủy sản. Mới đây, tại Lễ công bố Chương trình tôm giống bố mẹ của tập đoàn Việt - Úc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, sau khi biểu dương những thành công của Tập đoàn Việt - Úc trong việc chọn tạo tôm giống bố mẹ, đã đề nghị tập đoàn này tận dụng kinh nghiệm sẵn có, phát triển nghiên cứu chọn giống sang các đối tượng nuôi quan trọng, trong đó có cá tra.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trong 10 tháng đầu năm nay, XK cá tra đạt gần 1,48 tỷ USD. Trong mấy tháng cuối năm đã ghi nhận tín hiệu tích cực từ một số thị trường nhập khẩu quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, ASEAN… Tuy nhiên, do cá tra nguyên liệu bị thiếu hụt nặng nề, kế hoạch XK cuối năm của nhiều DN sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.