Đề cập đến thực trạng này, ngày 6-1, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho), một trong những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản có quy mô lớn của tỉnh đã phân tích:
Tình hình kinh tế năm 2015 nói chung, ngành Nông nghiệp nói riêng gặp nhiều khó khăn về rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại, xuất hiện tình trạng cung lớn hơn cầu nên giá cả có xu hướng giảm sâu.
Thủy sản xuất khẩu cũng nằm trong bức tranh chung của Nông nghiệp cả nước. Phải nói rằng, năm 2015 là năm không thuận lợi cho ngành Thủy sản của Việt Nam nói chung và tình hình xuất khẩu của các DN nói riêng.
Riêng đối với GODACO trong năm 2015 vừa qua cũng phải khắc phục tối đa những khó khăn, đồng thời tận dụng hết những lợi thế sẵn có, nhờ vậy đã đạt được đầy đủ các chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra của cả năm như: Kim ngạch xuất khẩu, sản lượng, doanh thu cũng như chỉ tiêu về lợi nhuận.
* Phóng viên: Thực tiễn cho thấy, năm 2015 cũng ghi nhận sự biến động khá lớn về tỷ giá, điều này tác động như thế nào đối với hoạt động của DN, thưa ông?
Ông NGUYỄN VĂN ĐẠO: Hoạt động của DN bao giờ cũng cần tính ổn định là tốt nhất. Nếu có những thay đổi thì DN sẽ gặp khó khăn. Đối với các DN làm hàng thủy sản xuất khẩu để đem lại ngoại tệ, nếu tỷ giá có xu hướng tăng thì có lợi cho DN.
Năm vừa qua, biên độ phá giá đồng tiền trong nước dao động ở mức từ 3 - 5%, ít hơn các nước trong khu vực, nên phần nào cũng tạo nên bất lợi trong cạnh tranh của sản phẩm đối với các nước.
Trong khi đó, nếu DN nào vay nhiều USD để hy vọng có lãi suất tốt, khi phá giá đồng nội tệ cao thì DN gặp bất lợi. Cho nên việc điều chỉnh về tỷ giá sẽ có DN thuận lợi nhưng cũng có DN gặp bất lợi. Do vậy, việc ổn định tỷ giá trong một thời gian dài vẫn tốt hơn là việc thường xuyên phải thay đổi.
Dây chuyền sản xuất của GODACO.
* Phóng viên: Theo ông, tình hình sản xuất - kinh doanh của DN trong năm 2016 sẽ như thế nào?
Ông NGUYỄN VĂN ĐẠO: Trước tình hình thực tế hiện nay, dự đoán năm 2016 những khó khăn thường nhật đối với ngành Thủy sản vẫn còn. Cụ thể như các rào cản về kỹ thuật, rào cản thương mại, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe hơn.
Tuy nhiên, ngành Thủy sản xuất khẩu cũng có điểm thuận lợi là các hiệp định thương mại vừa được Chính phủ ký kết như với châu Âu, Liên minh Á - Âu, hay Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp có hiệu lực.
Đối với môi trường trong nước, cũng vẫn còn những điểm khó, chẳng hạn như việc không ổn định về mặt chi phí, làm cho giá cả sản phẩm của ngành có khả năng tăng dẫn đến khó có khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước.
Tất nhiên nhóm ngành này cũng có điểm thuận lợi là cá tra vẫn là mặt hàng chỉ có ở Việt Nam. Cá tra xuất khẩu lại là loại thực phẩm đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng của các nước, với giá ở mức bình dân và đi vào nhiều lĩnh vực của tiêu dùng. Vì vậy, sức tiêu thụ của thị trường luôn luôn lớn hơn khả năng cung cấp hiện có của các DN.
Trong khi đó, các điều kiện về cạnh tranh, tiếp cận thị trường, đổi mới công nghệ các DN trong ngành Thủy sản của Việt Nam cũng đã đáp ứng tốt yêu cầu hiện nay. Với những điểm cơ bản này, năm 2016 ngành Thủy sản xuất khẩu có khả năng khởi sắc, DN được dự báo sẽ phát triển tốt hơn năm 2015.
* Phóng viên: Trong giai đoạn khó khăn, việc khép kín quy trình sản xuất đã mang lại thuận lợi gì cho DN?
Ông NGUYỄN VĂN ĐẠO: Để ổn định và phát triển bền vững, bất cứ DN nào cũng muốn khép kín quy trình sản xuất để hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, bước đường thực hiện mục tiêu này cũng không dễ. Điều đầu tiên là đòi hỏi DN phải có nguồn vốn tốt, đội ngũ quản lý giỏi và cần có thời gian nhất định.
Riêng GODACO, một trong những DN chế biến xuất khẩu cá tra, đã đầu tư hoàn thiện quy trình khép kín bao gồm vùng nuôi, chế biến thức ăn, nhà máy chế biến đông lạnh và xuất khẩu. Với quy trình như thế, DN đã hạn chế được nhiều chi phí nguyên liệu, chi phí chế biến để có giá thành tốt, đồng thời quản lý tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, tạo thuận lợi hơn trong khâu bán hàng.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
GODACO hiện có 7 nhà máy gồm: Nhà máy chế biến thức ăn, nhà máy đông lạnh tập trung ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long; 200 ha diện tích nuôi cá tra phục vụ 100% nhu cầu về nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu của công ty. Công ty đạt kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 70 triệu USD, với sản phẩm được xuất sang khoảng 50 quốc gia, tập trung chủ yếu ở thị trường châu Âu...