Vitamin được coi là các hợp chất hữu cơ có trọng lượng phân tử thấp được sử dụng với số lượng nhỏ để duy trì sự trao đổi chất, tăng trưởng bình thường và sức khoẻ của cá. Acid folic là một dạng vitamin hòa tan trong nước, rất quan trọng trong quá trình trao đổi chất amino acid và nucleotide, tăng trưởng và sức khoẻ của hầu hết các loài động vật thủy sinh.
Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) là một đối tượng thủy sản cho năng suất cao, tăng trưởng nhanh, rộng muối và có các sức sống rất cao như chịu nhiệt độ, kháng bệnh cũng như hương vị cao của nó và giá trị thương mại cao. Ngoài ra còn là nguồn dinh dưỡng bổ sung protein, axit amin thiết yếu, axit béo không bão hòa và ít chất béo. Do đó, nó có thể được sử dụng như là một lựa chọn an toàn cho người tiêu dùng.
Có nhiều nghiên cứu về các yêu cầu dinh dưỡng của tôm càng xanh, nhưng những thông tin liên quan đến nhu cầu vitamin và chức năng dinh dưỡng của tôm vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, không có thông tin về hiệu quả chống oxy hoá và các thông số sinh học huyết thanh của acid folic đối với tôm càng xanh M. rosenbergii, những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ của tôm.
Một thử nghiệm của các nhà khoa học Ấn Độ cho ăn kéo dài 12 tuần đã được tiến hành để xác định tác động của việc bổ sung acid folic trong chế độ ăn đối với hoạt động của enzym tiêu hóa, thành phần cơ, đáp ứng miễn dịch, khả năng chống oxy hoá và hoạt tính enzyme của tôm càng xanh Macrobrachium rosenbergii.
Thí nghiệm
Các nghiệm thức được bổ sung axit folic với tỷ lệ 0 (đối chứng), 0,5; 1,0; 2,0;4,0 và 8,0 mg/kg trọng lượng thức ăn khô. Axit folic bổ sung vào thức ăn và cho tôm càng xanh M. rosenbergii ăn trong thời gian 90 ngày.
Kết quả
Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy trọng lượng cơ thể cuối cùng, tăng trọng, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn cải thiện đáng kể (P <0,05) khi mức acid folic bổ sung tăng lên từ 0,5 đến 2,0 mg/kg. Tuy nhiên, những con tôm ăn với thức ăn bổ sung 4,0-8,0 mg/kg acid folic cho thấy hiệu quả lại kém hơn.
Thêm vào đó, tôm ăn 0,5 – 2,0 mg/kg khẩu phần bổ sung acid folic cải thiện đáng kể hoạt tính tăng trưởng, hoạt động của enzym tiêu hóa và các thành phần sinh hóa trong cơ. Trong khi tôm ăn khẩu phần bổ sung trên 2,0 mg/kg acid folic cho thấy nồng độ protein tổng số (p <0,05) cao hơn đáng kể.
Tác dụng chống oxy hoá của hoạt tính enzym (SOD, CAT) trong cơ không thấy có sự thay đổi đáng kể (P> 0,05) đối với nhóm tôm nuôi ăn chế độ ăn bổ sung axit folic 0,5 – 2,0 mg/kg.
Kết luận
Từ các kết quả nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã đề xuất rằng có thể bổ sung 2,0 mg/kg acid folic giúp kích thích tôm tăng trưởng, tăng hiệu quả tiêu hóa thức ăn và hệ thống phòng chống oxy hoá của tôm càng xanh M. rosenbergii.