Lâu nay, hàng loạt nông dân ở các huyện Tân Châu, Chợ Mới (An Giang) đã lên tiếng ca thán về tình trạng ngăn lũ triệt để, khiến đất đai suy thoái, tồn trữ nhiều chất thải hữu cơ và xác thực vật… Nguy hại hơn là do nông dân được tạo tâm lý an toàn trong mùa lũ, nên các vụ lúa được diễn ra liên tục-có vùng sản xuất 7 vụ/2 năm, khiến sâu bệnh có môi trường “an toàn” sinh sôi, tha hồ tác oai tác quái.
Theo đề tài “Nghiên cứu tác động đê bao đến đời sống kinh tế xã hội và môi trường tại một số khu vực có đê bao ở tỉnh An Giang” của ông Dương Văn Nhã, cán bộ Khoa Nông nghiệp (Trường đại học An Giang), quan điểm của các lãnh đạo địa phương qua phỏng vấn có đến 60% cho rằng đê bao triệt để sẽ gặp nhiều thuận lợi so với không đê bao hoặc chỉ bao đê tháng 8 (đê bao lửng, ngăn lũ khoảng 1 tháng trong lúc chờ thu hoạch dứt điểm sau đó cho lũ tràn vào)
Nông dân - người chịu tác động trực tiếp từ lũ cũng có đến 77% cho rằng đê bao có lợi. Điều này lý giải chuyện vì sao nhu cầu đê bao triệt để ở ĐBSCL ngày càng cao. Trong khi đó, 13/13 nhà khoa học là trưởng các ngành về đất, thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt và kinh tế khi được tham vấn đều không ủng hộ việc đê bao triệt để. Với họ, mặt lợi của loại đê bao này không đặt nặng lắm, trong khi tác hại về ô nhiễm, thoái hóa đất, lưu tồn độc chất trên đồng ruộng và dịch hại sẽ gia tăng dần qua từng năm…
Do đó, 9/13 nhà khoa học ủng hộ chỉ bao đê tháng 8, số còn lại cho rằng đừng nên bao đê mà chấp nhận quy luật tự nhiên. Và nhìn chung, các nhà khoa học đều cho rằng nên cân nhắc kỹ, tức phải quy hoạch hợp lý việc đê bao vùng, bố trí cây trồng, thời vụ phù hợp và cân nhắc hiệu qủa kinh tế của việc đê bao vì phải bỏ ra kinh phí qúa lớn…
Thực tế khảo sát tại các vùng đê bao triệt để, theo ông Nhã lợi nhuận từ canh tác lúa vụ đông xuân và hè thu sau một thời gian đê bao đã có dấu hiệu giảm. Phần lớn các nơi đều tăng chi phí phân bón nhưng năng suất lại giảm so hồi chưa có đê bao. Như ở vùng Phú An (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), sau ba năm đê bao năng suất vụ đông xuân giảm 1,16 tấn/héc-ta, hè thu giảm 0,79 tấn/héc-ta...
Và kết qủa quan trắc chất lượng môi trường nước cho thấy nồng độ BOD 5 ở khu vực đê bao từ sáu năm trở lên đã có dấu hiệu tăng dần, gấp 2,5 lần mức cho phép. Đồng thời, nồng độ Amonia và Lân gấp 14 lần so tiêu chuẩn Việt Nam…Theo đó, lượng cá tự nhiên đã giảm bình quân 130 kg/năm/hộ và nhiều loài như tôm càng xanh, cá bống tượng, rô biển… đã biến mất.
Đồng ruộng đầy phù sa và tôm cá
Chất hữu cơ trong đất ở An Giang thuộc loại trung bình từ 3,1-5%, nhưng theo báo cáo của Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam gần đây cho thấy đã giảm đến 1,84% - xếp vào loại đất nghèo hữu cơ cũng một phần do việc không được nước lũ tràn vào.
Như vậy, lợi ích dễ thấy nhất của đê bao triệt để là giúp nông dân làm được lúa vụ 3. Nhưng theo Sở NN & PTNT An Giang, các vụ 3 gần đây cho thấy chất lượng lúa giảm sút, tỷ lệ sâu bệnh so với diện tích xuống giống và có dấu hiệu tăng dần.
Do đó, năm nay, mực nước lũ về cao hơn nhiều năm, 2 tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp chủ trương lấy ý kiến người dân và đồng nhất mở đê, phân lũ đón phù sa và vệ sinh ruộng đồng...
Ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, cho biết: “Sinh lợi từ mùa lũ năm nay sẽ rất lớn. Từ sau lũ 2011 đến nay năm nào mực nước lũ cũng thấp, thậm chí không có lũ như năm 2015 - 2016 đỉnh lũ thấp nhất lịch sử, người dân rất khó khăn trong quá trình sinh kế.
Về nông nghiệp lũ sẽ mang lại phù sa cho vùng. Đối với vùng đê bao khép kín như ở An Giang thì tận dụng điều kiện lũ lớn này dâng nước lấy phù sa vào trong đồng để rửa sạch các loại dịch bệnh, tăng độ màu mỡ cho đất giúp sản xuất thuận lợi hơn”.