Năm 2012 được dự đoán là một năm cực kì khó khăn đối với ngành thủy sản
Tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản để cá tra tiếp tục được khẳng định là vật nuôi chủ lực, tiềm năng xuất khẩu thứ hai của tỉnh An Giang sau cây lúa.
Nền kinh tế thế giới gặp khó khăn, trong năm 2012 dự báo nghề nuôi và chế biến, xuất khẩu cá tra của tỉnh sẽ chịu ảnh hưởng không ít.
Theo ông Đỗ Công Nghiệp - Công ty chế biến xuất khẩu thủy sản Nam Việt, nghề nuôi và chế biến cá tra trong tỉnh đang gặp một loạt khó khăn. Đó là nguyên liệu khan hiếm; chất lượng con giống chưa đồng đều. Mức đầu tư cho sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra bình quân từ 6 - 10 tỷ đồng/ha nhưng cơ chế chính sách thắt chặt tín dụng, lãi suất ngân hàng cao làm doanh nghiệp cũng như ngư dân khó tiếp cận nguồn vốn vay.Giá thức ăn thủy sản tăng từ 16 - 30%, các khoản phí điện, xăng dầu, bọc nhựa… đều tăng mạnh so năm trước.
Bên cạnh đó, Mỹ là thị trường tiềm năng của con cá tra An Giang nhưng các doanh nghiệp phải chịu thuế chống phá giá từ 53% - 63% kéo theo giá thành tăng cao. Mặt khác hiện nay trong các doanh nghiệp của tỉnh vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giảm giá để tranh thủ hợp đồng xuất khẩu.
Toàn tỉnh An Giang hiện còn duy trì 73 bè (bằng 77 %) và 960 ha thả nuôi (bằng 96%) so cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù cùng với ngư dân các doanh nghiệp cũng chủ động thả nuôi phân kỳ theo kế hoạch sản xuất nhưng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu nguyên liệu cá chế biến xuất khẩu.
An Giang hiện có 17 doanh nghiệp với 21 nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản có công suất 150.000 tấn, giải quyết việc làn cho gần 30.000 lao động chưa kể ngư dân thả nuôi. Cá tra An Giang đã có mặt tại 120 nước trên thế giới, nhưng thực tế hầu hết các doanh nghiệp thủy sản An Giang không đủ năng lực tài chính.
Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang gặp khó khăn lớn với vấn đề nguồn vốn
Phần lớn các doanh nghiệp sử dụng đồng vốn chưa hiệu quả, đầu tư tràn lan; lợi nhuận hàng năm chia hết cho lợi tức, số % trích lại không đủ đầu tư tái sản xuất. Đặc biệt, còn hạn chế về năng lực quản lý trong xuất khẩu và điều hành dẫn đến rủi ro cao.
Theo ông Huỳnh Thế Năng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, với thực tế của năm 2012, để tháo gỡ có hiệu quả, các doanh nghiệp cần liên kết để đối phó với những khó khăn rào cản hiện nay và cùng chia sẻ lợi nhuận, cũng như rủi ro.
Về phía tỉnh sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ”; đồng thời, đề nghị các ngân hàng nên ưu tiên giải quyết thỏa đáng chính sách về vốn, xây dựng cơ chế tín dụng “tay ba” giữa nông dân, doanh nghiệp và ngân hàng thế chấp bằng hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp hay hợp đồng xuất khẩu với lãi suất ưu đãi, giúp chủ động được nguồn vốn quay vòng sản xuất trong tình hình thắt chặt tín dụng như hiện nay.
Ông Năng còn nhấn mạnh, ngư dân và các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng thả nuôi như con giống, kỹ thuật, áp dụng qui trình sản xuất chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế Global GAP và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Ốtxtrâylia, Hàn Quốc và các nước Châu Mỹ, quan tâm thị trường Nga, Đông Âu có tăng trưởng ổn định. Đồng thời quan tâm xây dựng “Nhãn hiệu chứng nhận cá tra An Giang” để đủ sức bảo hộ, khẳng định vị thế cá tra An Giang trên thị trường quốc tế.