Từ năm 2010 đến nay, xã có hơn 150 hộ dân tự ý đào ao trên đất vườn, đất sản xuất nông nghiệp… để nuôi tôm biển trong vùng nước ngọt. Trong 1, 2 vụ đầu, thu hoạch tôm nuôi bán có lãi khá hấp dẫn nên nhiều hộ khác làm theo.
Kết quả là hàng chục héc-ta nuôi tôm biển trong vùng nước ngọt nằm rải rác trên địa bàn xã xuất hiện. Hầu hết, các hộ nuôi đều khai thác nguồn nước mặn ngầm để nuôi tôm, xả nước thải trực tiếp ra kênh rạch xung quanh làm cho môi trường bị ô nhiễm. Khi có dịch bệnh, nguồn nước thải mang mầm bệnh ảnh hưởng đến các khu nuôi tôm trong vùng quy hoạch.
UBND xã An Hiệp vừa phối hợp với các ngành huyện Ba Tri tổ chức buổi tuyên truyền người dân trên địa bàn không đào ao nuôi tôm biển trong vùng nước ngọt.
Tại buổi tuyên truyền, các ngành chức năng xã và huyện yêu cầu các hộ dân không đào ao và nuôi tôm biển trong vùng nước ngọt. Vì việc lấy nước mặn ngầm hay sử dụng muối hột để nuôi tôm sẽ có tác động rất lớn đến môi trường và đa dạng sinh học. Đặc biệt, việc lấy nước ngầm sẽ dẫn đến sụt lún đất, gây mặn hóa vùng ngọt, nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích đất trồng lúa và cây trồng khác.
Thời gian tới, UBND xã An Hiệp sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các tổ chức cá nhân cố ý đào ao nuôi tôm biển trong vùng nước ngọt.