Sau nhiều lần bắt được cá thác lác cườm trong mương vườn bán được giá khá cao, anh Ân nảy ra ý tưởng nuôi loài cá có giá trị kinh tế này. Nghĩ là làm, dù chưa có kinh nghiệm trong nuôi thủy sản, nhất là con cá thác lác cườm nhưng anh mạnh dạn cải tạo ao nuôi, tìm mua con giống. Chặng đường “săn lùng” cá thác lác cườm giống của anh Ân cũng lắm gian nan. Anh hỏi thăm nhiều người, đi tìm khắp các trại cá giống ở tỉnh Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh... Cuối cùng, anh cũng mua được 3.500 con cá thác lác cườm giống (giá 5.500 đồng/con) ở tỉnh Hậu Giang về thả nuôi trong ao rộng khoảng 500m2.
Anh Ân cho biết: “Ban đầu, tôi chưa có kiến thức về kỹ thuật nuôi cá thác lác cườm nên phải học hỏi kinh nghiệm của những anh em nuôi trước và tự rút ra bài học cho bản thân trong quá trình nuôi”.
Sau 6 tháng nuôi, anh thu hoạch được gần 1,2 tấn cá, giá bán trên 60.000 đồng/kg. Vụ nuôi cá đầu tiên này, anh lời hàng chục triệu trồng. Hiện gia đình anh đang nuôi 8.000 con cá thác lác cườm trên diện tích 650m2, ước đạt sản lượng trên 1 tấn. Anh cho biết, nuôi cá thác lác cườm trong ao bằng thức ăn công nghiệp, chi phí đầu tư 1kg cá khoảng 45.000 đồng, giá bán ra thị trường hiện 61.000 đồng/kg (có thời điểm 92.000 đồng/kg), anh thu lãi vài chục ngàn đồng/kg.
Theo kinh nghiệm của anh Ân, nuôi cá thác lác cườm không khó. Ao nuôi tốt nhất gần sông lớn để có thể cung cấp nguồn nước dễ dàng. Trước khi nuôi cần dọn cỏ bờ, tát cạn nước, vét hết lớp bùn đáy và bón vôi. Phơi khô đáy ao khoảng 1 tuần, sau đó cho nước vào từ 5 - 7 ngày mới thả cá giống. Để cá lớn khỏe, đòi hỏi có nguồn cá giống sạch bệnh mua ở các cơ sở uy tín, kích thước đồng đều, không bị xây xát. Trong 3 tháng đầu nên cho cá giống ăn cá, tép vụn. Cá mồi phải xay nhuyễn, trộn với chất kết dính để thức ăn không bị rã. Khi cá dài khoảng 4 tấc là có thể cho ăn thức ăn công nghiệp.
Sau 2 vụ nuôi, anh Ân đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi cá thác lác cườm. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia những buổi hội thảo do địa phương tổ chức và nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm mình có được với nhiều người dân. Nhờ siêng năng, chịu khó làm ăn, kinh tế gia đình anh Ân khá ổn định. Anh Cao Hoài Ân khẳng định: “Trong thời buổi kinh tế thị trường, khoa học kỹ thuật tiến bộ thì người nông dân cũng phải năng động, sáng tạo và tôi nghĩ có gan thì mới mong làm giàu”.