Giới thiệu
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng vì nó ảnh hưỡng đến hoạt động cũng như biểu hiện của cá. Do đó, nhiều nghiên cứu về dinh dưỡng nhằm tìm ra giải pháp giúp cá tăng trưởng tốt hơn đồng thời tăng cường sức đề kháng của cá biểu hiện qua khả năng kháng bệnh cũng như chống lại những điều kiện bất lợi của môi trường nuôi. Do đó, việc sử dụng các chế phẩm sinh học hay các chất kích thích miễn dịch được xem là những thực phẩm bổ sung trở nên phổ biến trong công thức thức ăn thủy sản. Beta-glucan (BG) là một polysaccharide được cấu thành từ các monosaccharide, có nhiều trong màng tế bào vi khuẩn, nấm men, nấm, và rong biển. BG là những chất không bị hấp thu qua đó kích thích hoạt động của hệ vi sinh vật trong đường ruột, giúp tăng hiệu quả sử dụng thức ăn ở cá, giúp cá tăng trưởng tốt hơn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy BG có khả năng kích thích hệ miễn dịch trên cá và cả hệ miễn dịch không đặc hiệu ở giáp xác. Đối với giáp xác BG đóng vai trò quan trọng trong quá trình melanin hóa, quá trình thực bào. Việc bổ sung BG như một chất kích thích miễn dịch vào thức ăn cho cá và giáp xác được ứng dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu về bổ sung BG lên tăng trưởng, hệ miễn dịch và khả năng chống chịu stress của cá tráp (Pagrus major).
Phương pháp nghiên cứu
Thí nghiệm được thực hiện tại trường Đại học Kagoshima, Nhật Bản nghiên cứu nhằm bổ sung BG vào thức ăn cá với hàm lượng khác nhau lên tăng trưởng và hệ miễn dịch của cá tráp.
Thí nghiệm bao gồm 4 nghiệm thức với 3 lần lặp lại được trình bày trong Bảng. Cá tráp với trọng lượng ban đầu trung bình là 2,8 g, cá được bố trí trong bể polyethylene 100 lít với mật độ 15 cá/bể. Các chỉ tiêu tăng trưởng và hệ miễn dịch của cá được thu sau 56 ngày thì nghiệm.
Nghiệm thức |
Hàm lượng BG g/kg thức ăn |
D1 |
0 |
D2 |
0.25 |
D3 |
0.5 |
D4 |
1 |
Kết quả nghiên cứu
Các chỉ tiêu tăng trưởng và tỷ lệ sống: Sau 56 ngày nuôi; tỷ lệ sống (trên 90%), hiệu quả sử dụng thức ăn (FER), hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR), hiệu quả sử dụng protein (PER) và lượng thức ăn ăn vào (feed intake) khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa các nghiệm thức (P>0,05). Trọng lượng cuối (final weight), tăng trọng theo % (WG), và tốc độ tăng trưởng đặc biệt (SGR) của cá ở nghiệm thức D4 (1g BG/kg thức ăn) cao hơn, khác biệt có ý nghĩa so với các nghiệm thức còn lại (P<0.05).
Thành phần hóa học của cơ thể cá: Các thành phần hóa học cơ bản của cá sau thí nghiệm được phân tích bao gồm ẩm độ, protein thô, tổng lipid, hàm lượng tro, chỉ số HIS (hepatosomatic index) và VSI (viscerosomatic index). Kết quả cho thấy, không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức; tuy nhiên hàm lượng protein thô và tro có xu hướng tăng cao hơn ở các nghiệm thức có bổ sung BG so với các nghiệm thức còn lại.
Các chỉ tiêu huyết học có liên quan đến hệ miễn dịch của cá: Các chỉ tiêu huyết học của cá bao gồm: số lượng hồng cấu (haematocrit, H%) đường glucose (Glu), tổng cholesterol (T-cho), ure trong máu (BUN), tổng bilirubin (T-bil), glutamyl oxaloacetic transaminase (GOT), glutamic pyruvate transaminase (GPT), tổng protein (T-pro), triglyceride (TG), d-ROMs (reactive oxygen metabolites) được ghi nhận. Kết quả cho thấy, GOT và d-ROMs có xu hướng giảm ở các nghiệm thức có bổ sung BG so với nghiệm thức đối chứng (P<0.05). Số lượng haematocrit ở nghiệm thức D3 (0.5g BG/kg thức ăn) cao hơn có ý nghĩa so với các nghiệm thức khác (P<0.05). Ngoài ra các chỉ tiêu còn lại khác biệt không có ý nghĩa giữa các nghiệm thức.
Các chỉ tiêu miễn dịch không đặc hiệu bao gồm: hoạt động của enzyme lysozyme, tính kháng khuẩn (bactericidal activity, BA), và giá trị peroxidase (PV). Kết quả cho thấy hoạt động của lysozyme ở nghiệm thức có bổ sung BG cao hơn so với nghiệm thức đối chứng (P<0.05). Giá trị BA và PV ở nghiệm thức D4 là cao hơn so với đối chứng, tuy nhiên so với các nghiệm thức khác thì khác biệt không có ý nghĩa.
Độ tiêu hóa thức ăn (ADC): Độ tiêu hóa protein và lipid cao nhất ở nghiệm thức D4, khác biệt có ý nghĩa so với đối chứng (D1). Tuy nhiên, độ tiêu hóa thức ăn không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức có bổ sung BG.
Khả năng chống chịu stress: Cá sau khi kết thúc thí nghiệm được sử dụng cho thí nghiệm chống chịu stress dưới độ mặn thấp. Kết quả cho thấy cá ở các nghiệm thức có bổ sung BG có khả năng chống chịu stress tốt hơn so với cá ở nghiệm thức đối chứng (P<0.05).
Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy thức ăn có bổ sung BG với hàm lượng 0.25-1g/kg thức ăn vào khẩu phần ăn của cá tráp giúp cá tăng trưởng tốt hơn và tăng cường hệ miễn dịch. Các thông số miễn dịch bao gồm hoạt động lysozyme, hoạt tính diệt khuẩn, peroxidase tăng lên đối với cá cho ăn thức ăn bổ sung BG. Ngoài ra, khả năng chịu đựng dưới điều kiện bất lợi của môi trường như độ mặn thấp của cá cho ăn khẩu phần ăn có bổ sung BG cũng cao hơn so với việc không bổ sung.