Artemia được sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: antpkr
Tepbac với vai trò là người dịch thuật và truyền tải thông tin bài báo cáo đến bạn đọc. Về mặt lý thuyết, bài lược dịch không sai so với bài báo cáo gốc. Nhưng sau khi trao đổi và nhận được sự góp ý của các chuyên gia, thì rõ ràng bài báo cáo có tính áp đặt về phương pháp nghiên cứu, rồi căn cứ vào đó mà kết luận không chính xác, dẫn đến những hiểu lầm nghiêm trọng.
Trước hết, bài báo cáo tiến hành tự gây nhiễm EHP cho Artemia, sau đó cho tôm ăn những con Artemia này, rồi khẳng định Artemia là “Vật chủ lây nhiễm EHP” là không chuẩn xác. Vì nếu là “Vật chủ mang mầm bệnh” thì Artemia phải được chứng minh là dương tính với EHP ngay từ các mẫu trứng nghỉ thương mại. Trong thí nghiệm này, Artemia đúng hơn phải được gọi là “Tác nhân trung gian (vector) chuyển giao mầm bệnh trong thí nghiệm” thay vì “Vật chủ trung gian truyền bệnh”. Đặt trường hợp, gây nhiễm trực tiếp cho tôm thì tôm cũng sẽ nhiễm EHP, nên không cần thiết phải có vector là Artemia rồi đưa ra kết luận không chính xác. Dưới đây là một số lý do giải thích thêm việc Artemia không thể nhiễm mầm bệnh từ giai đoạn trứng và trở thành vector truyền bệnh.
Loài giáp xác chịu mặn rất cao!
Artemia là sinh vật thuộc chi giáp xác thủy sinh, “con tôm nước mặn” (brine shrimp) này có một điểm rất đặc biệt đó là sống và sinh sản trong môi trường có độ mặn rất cao. Nhờ sự thích nghi đáng nể này mà chúng còn được gọi là “tôm đồng muối”.
Trong tự nhiên, chúng sống trong các hồ nước mặn. Chúng gần như không bao giờ được tìm thấy trong một vùng biển rộng, rất có thể vì thiếu thức ăn và tự vệ. Chúng có thể tồn tại ở độ mặn 35‰ nhưng không thể tự vệ và cạnh tranh thức ăn với các loài khác. Nên thực tế, chúng chủ yếu sống ở độ mặn > 70‰. Đây là “môi trường cấm”, nơi các sinh vật ăn Artemia không thể tồn tại.
Artemia là sinh vật thuộc chi giáp xác thủy sinh.
Với khả năng điều hòa áp suất thẩm thấu đáng kinh ngạc, việc sống trong nước có độ mặn cao giúp Artemia hình thành một hàng rào sinh thái bảo vệ chúng hiệu quả trước sự tấn công của các mầm bệnh. Đồng thời, điều này giúp việc nuôi Artemia độc canh dễ dàng hơn, do rất khó gặp một sinh vật ngoại lai nào xuất hiện ở môi trường khắc nghiệt này.
Khi tồn tại trong điều kiện độ mặn như thế từ giai đoạn đầu của sự sống thì liệu Artemia có thể nhiễm mầm bệnh không?
Sự sinh sản đặc biệt của Artemia trong điều kiện rộng muối
Artemia cái có thể sản xuất trứng theo 2 hình thức: giao phối (mating) với con đực và sinh sản đơn tính (parthenogenesis – phôi phát triển từ trứng không được thụ tinh). Artemia cái cũng có thể đẻ trứng (oviparous reproduction) hay đẻ con (ovoviviparous reproduction).
Đẻ trứng: Trong điều kiện thuận lợi, Artemia có thể tạo ra các trứng thụ tinh vỏ mỏng (thin-shelled eggs) và gần như nở ngay lập tức. Mỗi Artemia cái có thể đẻ 1.500 – 2.500 trứng/lần. Nhưng trong điều kiện khắc nghiệt, chẳng hạn như khi oxy thấp hoặc độ mặn trên 150‰, Artemia cái sinh ra trứng thụ tinh vỏ dầy (thick-shelled eggs) với lớp phủ màu nâu gọi là “trứng nghỉ” hay có tên gọi khác là “trứng bào xác”. Những trứng này không hoạt động về mặt trao đổi chất và có thể duy trì trạng thái phôi ngủ đến hai năm ở nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Cho đến khi gặp môi trường thuận lợi, các trứng bào xác chìm vào nước biển, phôi bắt đầu sự chuyển hóa để phát triển trở lại. Vì thế sau khi ấp trứng bào xác Artemia trong nước biển có sục khí nhẹ khoảng 20 giờ, trứng nở thành ấu trùng nauplius.
Đẻ con: trứng thụ tinh sẽ phát triển thành ấu trùng nằm trong dạ con, sau đó được con cái phóng thích ra ngoài môi trường nước.
Quá trình phát triển Artemia. Ảnh: vaquariume.ru
Như vậy, Artemia có thể sinh sản bằng 2 phương thức, tùy vào điều kiện môi trường sống. Trứng nghỉ được sinh ra trong điều kiện độ mặn cao đến thế nên thực tế rất khó có khả năng mang mầm bệnh. Vấn đề đặt ra là khả năng Artemia trở thành vật chủ trung gian mang mầm bệnh EHP cho tôm nuôi là có thực tế không?
Artemia làm thức ăn cho tôm giống và tôm thương phẩm
Việc sử dụng Artemia làm thức ăn cho các sinh vật ấu trùng bắt đầu vào khoảng những năm 1930, khi đó một số báo cáo chứng minh chúng đã trở thành nguồn thức ăn tuyệt vời cho ấu trùng cá mới nở. Kể từ giữa thập niên 1980, lượng tiêu thụ Artemia đã tăng lên vài trăm tấn mỗi năm do sự mở rộng trên toàn thế giới về nuôi ấu trùng cá biển, tôm biển. Đến nay, Artemia được sử dụng cho nhiều đối tượng ấu trùng thủy sản như tôm (cả tôm nước ngọt lẫn tôm nước mặn), cua, cá cảnh, cá chẽm,... do giá trị dinh dưỡng cao, giàu đạm, chứa nhiều acid béo không no, vitamin và khoáng chất tốt cho giai đoạn sinh sản và tạo sắc tố cho cơ thể tôm cá.
Nang Artemia. Ảnh:Vpas
Tôm thương phẩm nuôi ở giai đoạn đầu vẫn thường được cho ăn sinh khối Artemia từ ba đến bảy ngày sau khi thả giống. Mặc dù không thể loại trừ khả năng mang mầm bệnh, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh trong nuôi tôm thương phẩm, mầm bệnh từ tôm truyền sang Artemia rồi từ đó lây nhiễm sang những con tôm khỏe khác trong hệ thống nuôi.
Artemia cũng là sinh vật được dùng làm “vật nhồi sinh học”. Có nghĩa là người ta đưa các chất dinh dưỡng, thuốc hóa chất hay cả mầm bệnh (ký sinh trùng, Vibrio,…) vào cơ thể Artemia bằng nhiều cách rồi sau đó, thông qua cho ăn, để vật nuôi nhận các chất dinh dưỡng, hóa chất đó hoặc bị nhiễm mầm bệnh được chỉ định từ Artemia trên, để phục vụ cho các nghiên cứu khoa học.
Khả năng lây nhiễm và truyền bệnh của Artemia
Rất nhiều nghiên cứu về khả năng lây nhiễm mầm bệnh của Artemia đã được thực hiện. Từ năm 2011, một số thử nghiệm về sự truyền lây bệnh do Vibrio gây ra từ Artemia sang tôm. Nhưng ở đây, Artemia đóng vai trò là “vật nhồi sinh học” chứ không phải đã nhiễm bệnh từ ban đầu.
Artemia là nguồn thức ăn cần thiết trong quá trình phát triển của ấu trùng tôm, cá. Ảnh: kendoNice
Đến năm 2020, thử nghiệm của K. Karthikeyan và R. Sudhakaran (bài dịch gây nhiều hiểu lầm tranh cãi đã được nhắc đến ở đoạn đầu) cũng dùng Artemia làm “vật nhồi sinh học”, gây nhiễm nhân tạo EHP cho chúng chứ không hề có bằng chứng Artemia dương tính với EHP từ giai đoạn trứng nghỉ.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào trong thực tế các trại nuôi cho thấy Artemia bị nhiễm bệnh từ giai đoạn trứng hay tôm bị nhiễm mầm bệnh từ Artemia truyền sang. Các nghiên cứu hiện tại chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm, nên cần thực hiện các nghiên cứu sâu hơn. Do đó, Artemia với nguồn dinh dưỡng tuyệt vời, vẫn là nguồn thức ăn cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của ấu trùng tôm, cá nhưng cũng cần được quan tâm đến chất lượng và quản lý phòng ngừa mầm bệnh.
Nguồn: K. Karthikeyan và R. Sudhakaran, 2020. Exploring the potentiality of Artemia salina to act as a reservoir for microsporidian Enterocytozoon hepatopenaei of penaeid shrimp. Biocatalysis and Agricultural Biotechnology 25 (2020) 101607. DOI: 10.1016/j.bcab.2020.101607.