Nhằm hạn chế những thiệt hại do tác động của thời tiết, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có công văn số 180/NTTS-KT&QLMT hướng dẫn quản lý môi trường nước trong ao nuôi tôm khi thời tiết chuyển mùa và mùa mưa, theo đó người nuôi tôm cần quan tâm theo dõi những bản tin dự báo thời tiết, chủ động hơn trong việc ứng phó, có những biện pháp, giải pháp phòng tránh thiệt hại cụ thể như:
Bảo đảm hàm lượng oxy cho tôm: Sự thiếu hụt oxy nghiêm trọng hơn vào ban đêm khi tôm và vi sinh vật trong ao hô hấp tiêu thụ nhiều oxy, dẫn đến tôm nổi đầu. Do đó, người nuôi tôm cần duy trì chế độ quạt nước hợp lý, cung cấp đủ oxy cho tôm nuôi.
Xác định khẩu phần ăn: Xác định chính xác khẩu phần thức ăn trong ngày là biện pháp cần thiết nhằm góp phần giảm chất thải hữu cơ trong ao nuôi, người nuôi cũng nên thường xuyên dùng chế phẩm vi sinh, hạn chế tối đa dùng thuốc kháng sinh, hóa chất. Vì như vậy, sẽ không tốt cho hệ vi sinh vật có lợi ở đáy ao.
Quản lý pH: pH là yếu tố dễ biến động nhất sau những cơn mưa lớn. Sự biến động đột ngột của pH có thể làm tôm giảm sức đề kháng. Vì vậy, người nuôi nên kiểm tra pH cứ 2 giờ một lần trong lúc trời mưa và ngay sau khi mưa để điều chỉnh kịp thời. Duy trì pH ở mức thích hợp từ 7,5 - 8,5 và dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5 đơn vị.
Nếu pH thấp, người nuôi sử dụng vôi nông nghiệp CaCO3 (thường gọi là vôi canxi) liều lượng từ 10 - 20 kg/1.000m3 nước ao tùy giá trị pH đo được. Ngoài ra, để hạn chế phèn trên bờ ao và đục nước, người nuôi nên sử dụng vôi đá sống CaO rải đều trên bờ. Vôi sẽ giúp trung hòa acid tránh giảm pH đột ngột và giúp nước ao không bị đục sau khi mưa.
Quản lý độ kiềm: Mùa mưa là thời điểm độ kiềm trong ao tụt giảm làm ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, làm tôm chậm lớn, giảm tỷ lệ sống hay thường gặp hiện tượng tôm bị mềm vỏ kéo dài do độ kiềm dưới mức thích hợp; đặc biệt đối với vùng nuôi có độ mặn thấp hay nuôi tôm trong ruộng lúa. Độ kiềm thích hợp cho tôm từ 60-180mg/l. Nếu độ kiềm thấp có thể sử dụng vôi Dolomite liều lượng 20 - 30 kg/1.000m3 hoặc sử dụng vôi canxi nếu pH thấp.
Quản lý mức nước: Đối với những ao có mực nước thấp chất lượng nước sẽ biến động lớn sau những cơn mưa hoặc khi trời nắng nóng gay gắt. Vì vậy, cần duy trì mực nước tối thiểu là 1,3m đối với ao nuôi tôm sú và 1,5m đối với ao nuôi tôm thẻ. Ngoài ra, biện pháp tăng cường quạt nước trong khi mưa lớn hay khi trời nắng gắt sẽ giúp xáo trộn nước tránh hiện tượng phân tầng trong ao, từ đó hạn chế những tác động xấu cho tôm nuôi. Tăng cường quạt khí sục oxy cho ao nuôi khi mưa lớn giúp xáo trộn nước tránh hiện tượng phân tầng trong ao, từ đó hạn chế những tác động xấu cho tôm nuôi.
Kiểm soát tảo: Sau khi trời mưa liên tục vài ngày, mật độ tảo thường tăng cao, màu nước thay đổi, pH dao động trong ngày >0,5 cần:
- Thay tối thiểu 30% lượng nước trong ao;
- Hòa tan 2-3kg đường cát/1000m2 và tạt đều ao vào lúc 9-10 giờ sáng
- Chạy cánh quạt, sụt khí liên tục trong vài giờ.
Một trong những biện pháp kiểm soát hữu hiệu lượng chất thải cũng như mật độ tảo trong ao là giảm khoảng 20 - 30% lượng thức ăn khi trời mưa bởi nhiệt độ thấp tôm sẽ giảm bắt mồi. Hơn nữa, để tránh thất thoát thức ăn trong những ngày trời âm u thì nên bắt đầu cho tôm ăn trễ hơn khi mặt trời mọc, lúc đó tảo bắt đầu quang hợp đảm bảo đủ oxy để tôm bắt mồi và tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, người nuôi có thể sử dụng mật đường riêng lẻ hoặc kết hợp với men vi sinh với liều lượng 2 - 3 kg/100m3 định kỳ 5 - 7 ngày kết hợp tăng cường chạy quạt cung cấp oxy cũng là giải pháp kích thích vi khuẩn có lợi trong ao phát triển tăng cường phân giải các chất hữu cơ, hạn chế tảo phát triển quá mức.
Bên cạnh đó, người nuôi có thể hạn chế mầm bệnh trong ao bằng cách diệt khuẩn nước ao đặc biệt trong những trường hợp cần thiết như màu sắc tôm thay đổi xấu, tôm đóng rong, đóng nhớt, bị phồng đuôi, đứt đuôi, đứt râu. Sau đợt mưa nhiều ngày vi khuẩn có hại gây bệnh thường bùng phát theo sự tích tụ hữu cơ trong ao. Do đó, sau khi kết thúc đợt mưa chuyển sang thời tiết nắng cần diệt khuẩn để giảm mật độ vi khuẩn có hại, giảm bớt mầm bệnh và cấy vi sinh lại sau 2 ngày để tăng cường vi khuẩn có lợi cho ao. Người nuôi cũng cần cần lưu ý chọn loại diệt khuẩn tương đối an toàn và phải kiểm tra sức khỏe tôm trước khi sử dụng vì một số chất diệt khuẩn có thể ảnh hưởng đến tảo và sức khỏe tôm.
Quản lý sức khỏe tôm: Ngoài việc quan sát phản ứng, màu sắc, đường ruột, gan tụy và phân tôm hàng ngày thông qua kiểm tra sàn ăn, người nuôi cần chài tôm định kỳ 5 - 7 ngày hoặc sau khi ao nuôi có những diễn biến xấu như chất lượng nước xấu hay mưa kéo dài để kiểm tra sức khỏe tôm nhằm có biện pháp xử lý kịp thời (chú ý, khi nhiệt độ nước trên 320C, tôm ít hoạt động, nằm yên, ngừng ăn và vùi mình, do đó tôm rất dễ bị đóng rong, đen mang, vì vậy bà con hạn chế việc chài, lưới kiểm tra tôm). Bên cạnh đó, cần tăng cường sức đề kháng cho tôm trong giai đoạn thời tiết bất lợi bằng cách trộn vào thức ăn với liều lượng cao hơn thông thường các chất bổ sung như Vitamin C, khoáng, vi sinh đường ruột, chất bổ gan, chất tăng đề kháng để tăng sức chống chịu cho tôm nuôi.
Theo nhiều chuyên gia thủy sản khuyến cáo, vào mùa nắng nóng, thời tiết có nhiều yếu tố bất lợi, vì vậy, người nuôi nên nuôi ở mật độ vừa phải, thường xuyên kiểm tra môi trường ao nuôi, nhất là vào ban đêm, thực hiện nghiêm khung lịch mùa vụ và các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn tại địa phương trong phòng chống dịch bệnh, đồng thời cũng cần chọn mua con giống tại các cơ sở sản xuất uy tín, cải tạo ao nuôi đúng quy trình.