Ông Phan Hữu Hội, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho biết, nước lũ tràn từ thượng nguồn về sẽ cuốn trôi phèn, vật chất hữu cơ, độc tố thuốc bảo vệ thực vật theo các con sông, kênh rạch về cuối nguồn mà dân gian hay gọi là nước cỏ, nước son. Dòng nước này rất độc đối với các loài cá nuôi nên có thể trực tiếp ảnh hưởng lên cá nuôi bè, hay gián tiếp ảnh hưởng lên cá nuôi ao thông qua hoạt động lấy nước, thay nước.
Mặt khác, lũ về cũng khiến cho mực nước trong các vùng nội đồng dâng cao gây ra hiện tượng tràn bờ, phá bờ, nhất là gây ra tình trạng áp lực phèn lên ao nuôi tôm, cá khi nước lũ mới xuất hiện. Điều này khiến cá nuôi trong ao của bà con bị thất thoát, hoặc cá nuôi bị sốc môi trường, rủi ro dịch bệnh tăng cao.
Để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra đối với cá nuôi mùa lũ, ông Hội khuyến cáo: Những hộ sinh sống bằng nghề ươm nuôi cá giống trên ruộng ở những khu vực có lũ hàng năm cần thu hoạch ngay bởi các hoạt động gia cố bờ ao, thu giữ cá giống trong những khu vực này thường không có hiệu quả. Đối với những hộ có dự định ươm cá giống trong thời gian tới thì cần đợi sau khi lũ rút mới tiến hành.
Đối với những hộ nuôi cá thịt ngoài khu đê bao, nếu cá đạt kích cỡ thương phẩm và có giá cao thì cần tranh thủ thu hoạch ngay, nếu cá chưa tới lứa thu hoạch hoặc có giá thấp, bà con nuôi cá cần sang dồn cá vào ao có kích thướt nhỏ hơn để dễ quản lý. Chú ý, không nên dồn cá với mật độ quá cao, trong quá trình bắt cá cần thao tác nhẹ nhành, tránh sây sát để không ảnh hưởng đến sức khỏe cá nuôi; bờ ao cần gia cố chắc chắn, rào lưới chung quanh ao với độ cao lưới cao hơn 0,5m so với đỉnh lũ cao nhất của các năm trước.
Bà con nuôi cá nằm trong khu đê bao cần gia cố kỹ bờ ao để tránh áp lực phèn từ ngoài rò rỉ vào ao gây biến động pH, rào lưới xung quanh ao với chiều cao lưới phải cao hơn bờ ao 0,5m để tránh cá thất thoát do nước tràn bờ. Bên cạnh đó, cần đào rãnh xung quanh ao và rải vôi vào rãnh này (5-7kg/100m2) để ngăn không cho phèn bên ngoài tràn vào ao; sau đó, bà con lấy vôi bột hòa với nước (2-3kg/100m3), lấy nước trong tạt đều khắp ao để nâng pH, lắng tụ các chất hữu cơ lơ lửng trong nước. Lưu ý, bà con cần hạn chế thay nước ao nuôi trong thời gian có lũ để không gây biến động môi trường nước trong ao nhằm tránh gây ảnh hưởng xấu đến cá nuôi.
Đối với nuôi cá lồng bè, cần tranh thủ thu hoạch nếu cá đạt cỡ thương phẩm. Nếu cá chưa tới cỡ thu hoạch thì cần chăm sóc kỹ, cho ăn đầy đủ, đúng liều lượng với những loại thức ăn viên công nghiệp có chất lượng, tăng cường sức đề kháng cho cá trong “mùa nước son” bằng cách trộn Vitamin C vào thức ăn, thường xuyên theo dõi sức khỏe của cá để có biện pháp xử lý kịp thời. Cần lưu ý, trong mùa nước son, bà con nuôi cá bè không nên thả cá giống do môi trường nước xấu, tỷ lệ cá hao hụt sẽ rất cao. Rút kinh nghiệm để tránh lũ các năm sau, bà con ương nuôi cá vùng thường xuyên ngập lũ cần tính toán thời gian nuôi và lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp để thu hoạch trước khi lũ về.