Thực tế chăn nuôi thủy sản cho thấy, ở miền Bắc nước ta nói chung và Bắc Giang nói riêng vào mùa đông thường có những đợt rét đậm rét hại kết hợp với mưa phùn, làm nhiệt độ nước xuống rất thấp.
Trong khi đó, các đối tượng nuôi thủy sản là những động vật biến nhiệt, có thân nhiệt thay đổi theo nhiệt độ môi trường. Chính vì vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đối với các động vật nuôi thủy sản, đặc biệt là các loài chịu rét kém như cá rô phi đơn tính, cá rô đồng, cá chim trắng... do đó việc chống rét cho cá là rất cần thiết.
Thông tin từ Chi cục Thủy sản- Sở Nông nghiệp-PTNT, tính đến hết năm 2013 tỉnh Bắc Giang đã có hơn 12 nghìn ha diện tích mặt nước được đưa vào nuôi thuỷ sản. Trong đó, diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh đạt 3.200 ha bằng 104% so với năm 2012 và sản lượng cá thương phẩm ước đạt 29.000 tấn đạt 100% kế hoạch năm và bằng hơn 106% so với năm 2012.
Ông Đoàn Bá Thiêm, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản cho biết: "Để người dân chủ động chống rét cho cá, ngay từ cuối tháng 11, Chi cục đã có văn bản đề nghị các phòng, ban chuyên môn của các địa phương chỉ đạo, đôn đốc tích cực tuyên truyền đến người dân nâng cao nhận thức và áp dụng các biện pháp phòng, chống rét thủy sản”.
Theo đó, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: ao nuôi phải bảo đảm độ sâu mực nước ổn định từ 2m trở lên; hạn chế gió lạnh xuống ao bằng cách phủ bèo tây mặt ao về hướng Đông Bắc; căng bạt trên mặt ao, tạo giá thể bằng rơm rạ để cá trú ẩn tránh rét; cho cá ăn khi điều kiện thời tiết thích hợp…
Tìm hiểu tại huyện Lạng Giang được biết, ngay sau khi tiếp nhận công văn chỉ đạo của Chi cục Thủy sản, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn triển khai tới nhân dân kịp thời. Anh Nguyễn Văn Việt, thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang cho biết: "Mấy hôm trước khi nhiệt độ xuống tôi đã nhanh chóng quây bạt quanh ao rồi ép bè thả bèo và tranh thủ cho ăn khi thời tiết thích hợp để chống rét cho cá”. Với 1 ha mặt nước hiện còn khoảng 6 tấn cá thịt và hàng nghìn con cá giống nếu không chủ động chống rét thì mình là người thiệt hại đầu tiên- anh Việt chia sẻ.
Được biết, xã Đại Lâm hiện có khoảng hơn 190ha nuôi trồng thủy sản trong đó hơn 70ha nuôi theo hướng thâm canh và đây là địa phương có diện tích thủy sản lớn nhất huyện Lạng Giang. Chính vì vậy, một trong những hướng phát triển kinh tế của địa phương là nuôi cá. Do đó, công tác phòng chống rét và dịch bệnh cho cá được địa phương đặc biệt quan tâm chú trọng.
Theo ông Nguyễn Công Trì, Chủ tịch UBND xã Đại Lâm thì thiệt hại vì rét đối với con cá trong những năm trước là bài học đắt giá cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây. Vậy nên mọi biện pháp để chống rét cho diện tích nuôi trồng thủy sản của địa phương đã sẵn sàng.
Đánh giá của cơ quan chuyên môn, công tác phòng chống rét cho cá đã được triển khai đồng bộ, kịp thời. Kết quả trên thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của ngành chức năng, sự chủ động của người dân bằng các biện pháp chống rét. Đây là những yếu tố quan trọng giúp cá lưu qua đông khỏe mạnh, đáp ứng số lượng, chất lượng giống cho vụ nuôi sau và đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
”Với đàn cá rô phi, chim trắng khả năng chịu rét kém cần chủ động thu hoạch khi cá đạt biểu tránh thiệt hại khi rét đậm, rét hại kéo dài” - Ông Đoàn Bá Thiêm, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản.
“Cùng với các biện pháp chống rét, bà con nôg dân nên định kỳ 2 tuần 1 lần bón vôi khử trùng cho ao với lượng 2 kg vôi bột/100m3 nước để cải tạo chua và hạn chế các loại vi khuẩn gây bệnh cho cá” - Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó phòng NN-PTNT huyện Lạng Giang.