Qua tham quan thực tế mô hình lúa - tôm nói trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Cao Đức Phát cho rằng đây là mô hình sản xuất mang tính bền vững cần nhân rộng. Song, lợi nhuận mô hình này còn thấp so với một số mô hình khác. Bộ trưởng đề nghị Sở NN&PTNT Bạc Liêu và các viện, trường có liên quan của Bộ nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là nâng cao chất lượng con giống để năng suất đạt cao hơn. Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ như: Cục Thủy lợi, Khuyến nông - khuyến ngư quốc gia cần quan tâm giúp đỡ để mô hình nâng cao hiệu quả và chất lượng. Đồng thời, Bạc Liêu cần tổ chức tốt vùng liên kết sản xuất nông nghiệp, trong đó liên kết nuôi trồng thủy sản cho các hộ nông dân để chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giúp họ tiếp cận với phương cách sản xuất mới, thay đổi tư duy sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng nông sản đủ sức cạnh tranh với thị trường. Có như thế, đời sống nông dân mới thật sự phát triển, mô hình mới thật sự thành công.
Hiện, toàn huyện Phước Long có hơn 9.500ha áp dụng mô hình lúa - tôm, tập trung chủ yếu ở thị trấn Phước Long, xã Vĩnh Phú Tây và xã Phước Long. Mô hình lúa - tôm được nhiều nông dân huyện Phước Long áp dụng do chi phí đầu tư thấp. Sau khi nuôi 2 vụ tôm, nông dân trồng 1 vụ lúa để cải tạo đồng ruộng cho những vụ nuôi tôm tiếp theo. Mô hình lúa - tôm phát triển theo hướng tự phát, chủ yếu là từ kinh nghiệm của nông dân nên năng suất lúa lẫn tôm đạt thấp. Để nâng cao hiệu quả mô hình, nông dân cần thiết kế lại đồng ruộng cho phù hợp, từ hệ thống bờ bao đến mương sâu cho tôm trú ẩn và diện tích mặt ruộng cấy lúa… Bên cạnh đó, địa phương cũng khuyến cáo nông dân nên đa dạng hóa cây trồng - vật nuôi trên cùng đơn vị diện tích.