Đối với vùng phía Nam QL1A, Bạc Liêu tập trung xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản, trọng tâm là phát triển chuỗi giá trị ngành tôm, triển khai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất tôm giống, từng bước xây dựng và phát triển thành trung tâm sản xuất tôm giống có quy mô lớn, chất lượng cao, có uy tín của vùng ĐBSCL. Hình thành và nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín trong nhà kín, nhà lưới, nhà màng, nuôi tôm sạch, nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng và bảo vệ rừng.
Vùng sản xuất phía Bắc QL1A thì tập trung phát triển lúa chất lượng cao tại tiểu vùng sinh thái ngọt ổn định; phát triển các mô hình tôm - lúa, lúa chịu mặn đối với tiểu vùng chuyển đổi sản xuất (sinh thái lợ).
Song song đó, tiếp tục thực hiện nuôi trồng thủy sản và nuôi Artemia trên diện tích đất sản xuất muối kém hiệu quả; hỗ trợ diêm dân đầu tư sản xuất muối trắng, trải bạt trên nền sân kết tinh. Xúc tiến thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất muối.
Theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh: “Để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ và đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng, năm 2018 Bạc Liêu phải đạt tăng trưởng kinh tế hơn 7%. Muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng này, trụ cột chính vẫn là tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, các ngành, địa phương phải làm tốt công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, trọng tâm là hoàn thành các thủ tục để sớm đưa khu nông nghiệp ứng dụng cao nuôi tôm Bạc Liêu vào hoạt động. Đồng thời tập trung chuyển giao các mô hình cho nông dân, và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc nhằm giúp nông dân làm giàu từ con tôm”.