Đề tài do Trường đại học Bạc Liêu và Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại, dịch vụ Khôi Nguyên phối hợp thực hiện. Hệ thống công trình nuôi bao gồm các bể tròn: 1 hồ lắng, xử lý nước trước khi cung cấp vào hệ thống bể nuôi; 2 hồ thương phẩm (100m3/bể); 1 bể lọc nước tuần hoàn nuôi cấy vi sinh và thu gom chất thải; 1 bể composite thu bùn thải ao nuôi. Mật độ thả giống là 300 con/m3, về phương pháp chăm sóc sử dụng thức ăn viên công nghiệp dành cho tôm và kết hợp bổ sung các chất dinh dưỡng, khoáng vi lượng, vitamin để giúp tôm tăng sức đề kháng.
TS. Trần Văn Chiêu, Hiệu trưởng Trường đại học Bạc Liêu, cho biết: “Việc thực hiện đề tài nhằm phục vụ hoạt động nghiên cứu, hội thảo về đề tài thủy sản, nhất là về tôm. Ưu thế của mô hình này là chi phí đầu tư thấp, diện tích nuôi nhỏ nên có thể áp dụng đối với hộ gia đình; người nuôi có thể quản lý chặt các khâu do hệ thống nuôi có sự liên kết, tránh tác động đến môi trường. Đặc biệt là góp phần nâng cao chất lượng con tôm Bạc Liêu”.
Theo đơn vị thực hiện đề tài, tỷ lệ tôm thu hoạch ước tính khoảng 80%, kích cỡ 40 con/kg, năng suất đạt khoảng 600kg/100m3.