Có một thực tế không thể phủ nhận, qua hơn năm 15 năm chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm, giá trị của con tôm vẫn chưa thể phát huy. Lợi nhuận mang lại không nhiều, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ gần như bị động. Một trong những biểu hiện cụ thể nhất là nông dân luôn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn từ khâu chất lượng con giống, vật tư, thuốc thú y kém chất lượng, không có vốn tái đầu tư...; còn phía doanh nghiệp luôn than thiếu tôm nguyên liệu, tôm kém chất lượng, dư lượng kháng sinh cao, và ngay cả ngành quản lý vẫn chưa kiểm soát nổi dịch bệnh, nạn ô nhiễm môi trường, gian lận thương mại từ con tôm chứa tạp chất...
Tất cả những khó khăn ấy đều bắt nguồn từ những nguyên nhân như: Bạc Liêu vẫn chưa xây dựng được chuỗi giá trị cho con tôm, thị trường còn quá nhiều phân khúc và nhiều khoản lợi nhuận bị mất đi không đáng có. Chỉ tính riêng đầu ra của con tôm, lợi nhuận cũng bị chia năm xẻ bảy và gồng gánh cho những khoản chi phí phát sinh đó đều do người nông dân. Cụ thể, thương lái nhỏ lẻ thu mua tôm của nông dân bán cho các chủ vựa, các chủ vựa bán cho các đại lý và các đại lý lại bán cho các nhà máy, thay vì con tôm sau khi thu hoạch bán trực tiếp cho các nhà máy. “Cái bánh” lợi nhuận bị chia nhỏ nhiều phần, nên muốn có lợi nhuận thì con đường duy nhất là ép giá thu mua của nông dân...
Một vấn đề đặt ra: Để giải quyết những bất cập này và xây dựng chuỗi giá trị cho con tôm, ngoài khuyến khích các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân có nên xây dựng chợ thu mua tôm nguyên liệu tập trung? Hay nói cách khác là tạo ra một sàn giao dịch cho con tôm, như các nước khác vẫn làm cho các mặt hàng nông, thủy sản chủ lực của họ (như sàn giao dịch cá ngừ của Nhật Bản). Làm được việc này, sẽ tác động tích cực đến phát triển sản xuất và góp phần giải quyết hàng loạt những mâu thuẫn vốn tồn tại trong sản xuất, chế biến con tôm xuất khẩu lâu nay.
Về thị trường, sẽ tạo ra một sân chơi chung cho doanh nghiệp và người nông dân, nơi cung cấp nguồn tôm sạch cho các doanh nghiệp chế biến và chủ động về nguồn cung. Bởi ở chợ đầu mối này, người ta không thể cung cấp tôm bơm tạp chất cho doanh nghiệp, vì có địa chỉ và nguồn gốc xuất xứ của con tôm. Mặt khác sẽ giải quyết được nạn thiếu nguồn cung, tránh tình trạng con tôm nguyên liệu của tỉnh bị chạy ra ngoài và đẩy doanh nghiệp vào cảnh khó khăn. Kéo theo đó là nạn “đi đêm”, cứ lén lút thu mua tôm tạp chất, phá vỡ cam kết chung là “nói không với tôm tập chất” của các doanh nghiệp nhằm có nguyên liệu chế biến. Bằng chứng là mỗi năm sản lượng nuôi trồng của tỉnh cung cấp cho thị trường hơn 100.000 tấn tôm nguyên liệu, nhưng sản lượng chế biến của các doanh nghiệp chỉ chiếm hơn 56.000 tấn. Vậy, còn hơn 44.000 tấn chạy đi đâu?
Về phía người nông dân, khi có chợ đầu mối cho con tôm thì họ sẽ tăng thêm lợi nhuận, vì giảm đi các khâu trung gian và có thể mặc cả, định giá cho hàng hóa của mình. Quan trọng hơn cả là thông qua chợ đầu mối thu mua tôm, sẽ hình thành nên sự liên kết trực tiếp giữa doanh nghiệp và người nông dân, góp phần hình thành nên nền sản xuất hàng hóa tập trung, thu mua được số lượng lớn do sản xuất và thu hoạch đều có kế hoạch cụ thể...
Với những lợi ích thiết thực này, việc xây dựng chợ đầu mối cho con tôm nguyên liệu cần được tính đến. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp ngoài tỉnh đã tổ chức được mạng lưới thu mua tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu thì không lý do gì tỉnh ta lại không làm được.