Các nhà khoa học của Trường đại học Chicago (Mỹ) đã nghiên cứu về ADN của loài bạch tuộc và cho biết bản đồ gien của sinh vật này rất “lạ”. Bạch tuộc có chuỗi gien phức tạp và có nhiều gien mã hóa protein hơn người, theo The Mirror ngày 12.8.
Bạch tuộc như một sinh vật ngoài hành tinh với bộ gien khác hoàn toàn với những sinh vật khác, thậm chí cả loài thân mềm. ADN của bạch tuộc được sắp xếp hoàn hảo, như những lá bài ngẫu nhiên được hệ thống lại trong một túi chứa, trong đó bao gồm các “gien nhảy” di chuyển xung quanh bộ gien.
Tiến sĩ Clifton Ragsdale, người đứng đầu nhóm nhiên cứu, cho biết: "Bạch tuộc có bộ não lớn và khả năng xử lý thông tin nhạy bén. Chúng tôi ghi nhận nó như một bộ gien ngoài hành tinh đầu tiên".
Bộ gien độc đáo này đã đóng vai trò quan trọng trong sự tiến hóa của loài bạch tuộc, hơn bất kỳ sinh vật nào khác, như hệ thống thần kinh phức tạp và khả năng ngụy trang, ông Clifton Ragsdale cho hay.
Ngoài ra, các xúc tu giúp bạch tuộc di chuyển rất nhanh, cơ động và có khả năng cầm nắm. Mắt chúng rất tinh và nhạy với ánh sáng phân cực, hệ thống ngụy trang phức tạp làm thay đổi màu sắc của da và hình dạng cơ thể. Chúng có 3 trái tim và khả năng tái tạo các bộ phận cơ thể bị cắt đứt.
Cũng theo tiến sĩ Clifton Ragsdale, mặc dù bộ gien bạch tuộc nhỏ hơn người nhưng chúng mang nhiều kiểu gien hơn con người.