Giá trị cao và quý của rong biển
Rong biển là thực vật có giá trị dinh dưỡng cao và quý.
Hàm lượng khoáng chất trong rong biển cao gấp 10 lần thực phẩm trên cạn. Cụ thể, rong biển chứa nhiều vitamin B, C, E, K, axit béo omega- 3, protein, axit amin, polyphenol và khoáng chất như sắt, canxi, i-ốt, cao gấp 10 lần so với thực phẩm trên cạn. Bên cạnh đó, thành phần lignans có trong rong biển có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các chứng bệnh ung thư, ngăn ngừa phát triển của các tế bào ung thư. Hàm lượng chất xơ có trong rong biển khá dồi dào giúp lợi khuẩn trong đường ruột làm cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Cho nên, rong biển được coi là vị thuốc quý từ đại dương. Ứng dụng của hoạt chất sinh học trong rong biển đã được chế ra thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm. Hoạt tính sinh học của các chất chiết xuất từ rong biển giúp kháng khuẩn, kháng nấm, kháng ung thư, kháng viêm, ức chế tế bào ung thư, ức chế virus HIV, chống oxy hóa, ức chế enzyme chuyển hóa tiểu đường, hỗ trợ điều trị bệnh mất trí, ....
Polysaccharide từ rong biển sở hữu nhiều hoạt tính sinh học có giá trị như giảm lipid máu, chống tăng đường huyết, chống ung thư, kháng virus, kháng viêm, chống đông máu và chống huyết khối. Do đó chúng được coi như là nguồn dược liệu đầy tiềm năng trong việc điều trị và phòng ngừa một số bệnh thông thường và các nan y.
Nguồn lợi sinh vật biển quan trọng
Rong biển là một trong những nguồn lợi sinh vật biển quan trọng đã được khai thác và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống. Các nghiên cứu về thành phần sinh hóa và dinh dưỡng cung cấp nhiều dữ liệu quan trọng cho các nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ.
Rong biển là một trong những nguồn lợi sinh vật biển quan trọng đã được khai thác
Ngành rong nâu có Fucoidan, Alginate, Phlorotannin, Laminarin, Iodine.... Ngành rong lục có Chlorophyll, Ulvan...Ngành rong đỏ có Agar, Carrageenan, phyco iliprotein… Còn trong rong mơ chứa nhiều muối V từ 10-15 %, nhiều nhất là muối Iot từ 0,3-0,8 %; ngoài ra còn có nhiều protit từ 4- 5 %, lipit từ 1- 2%, acid amin...
Ưu điểm của chiết xuất rong biển là hàm lượng dinh dưỡng cao. PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam đánh giá: “Chiết xuất rong biển chứa lượng lớn các khoáng chất biển như magiê, canxi, đồng, kali, selenium, kẽm, iốt và sắt, chất béo thấp, cũng như các chất chống oxy hoá, chất dinh dưỡng và chất xơ, các vitamin A, B, C, E, và K, các axit béo và các axit amin quan trọng cần thiết cho cơ thể. Do vậy, rất tốt trong việc tái tạo mô, tạo độ đàn hồi của da, được sử dụng trong các kem trị mụn, kem chống lão hóa, làm săn da, chống lão hóa, kháng viêm, làm dịu da nhạy cảm, kích ứng do ảnh hưởng của môi trường”.
Rong biển còn chiết xuất được Collagen thực vật với hàm lượng cao 1.9 g/100ml.
Bài toán của ngành rong biển Việt Nam
Rong biển Việt Nam được phát triển trong hơn 10 năm trở lại đây. Biển nước ta có 838 loài và dưới loài; gồm rong đỏ có 418 loài, rong nâu có 149 loài, rong lục có 183 loài, rong lam có 88 loài. Năm 2023, nước ta trồng 16.500 ha với sản lượng 150.000 tấn; đa số ở Bắc Bộ, non nửa ở Trung Bộ, một ít ở ĐBSCL. Thách thức của ngành rong biển là: Chất lượng rong giống không đảm bảo, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, lợi nhuận thấp. Bên cạnh là ảnh hưởng bởi bão gió gây nhiều thiệt hại, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu nên khó phát triển.
Vấn đề lớn nhất của ngành rong biển nước ta là trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm vẫn tự phát, chưa hình thành liên kết chuỗi nên giá trị còn thấp và bấp bênh. Các hộ dân trồng tự phát, bán thông qua thương lái là chủ yếu (chiếm trên 90%); bán trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến chỉ tỷ lệ rất nhỏ, được thu mua bởi Công ty Long Hải, JapiFoods, Trí Tín, Yến Sào Khánh Hoà….
Vấn đề lớn nhất của ngành rong biển nước ta là trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm vẫn tự phát
Chưa nhiều doanh nghiệp tham gia vào phân khúc sản xuất rong biển, đặc biệt là sản phẩm chiết xuất. Cho nên, rong nguyên liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu. Các sản phẩm rong chế biến phần lớn là dòng snack, cơm cuộn…cũng được nhập khẩu để bán ở nước ta.
Tuy nhiên, ngành rong biển nước ta đang có nhiều cơ hội. Thị trường toàn cầu một năm 16-20 tỷ USD, tăng trưởng hàng năm trên 10%. Diện tích canh tác nông nghiệp trên cạn hữu hạn và xu thế sử dụng thực phẩm xanh. Hoạt chất rong được sử dụng trong nhiều lĩnh vực. Quan trọng hơn nữa, trồng rong biển có tác dụng giảm ô nhiễm môi trường vì hấp thụ Nitơ/Phospho và có lợi thế gia nhập thị trường tín chỉ Carbon.
Khép kín liên kết chuỗi để phát triển
Cần phải khép kín liên kết chuỗi từ Cây giống – Vùng trồng – Sản xuất – Thương mại – Hệ thống tiêu thụ. Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi để chia sẻ giá trị, tạo động lực cho người dân sẵn sàng trồng rong biển.
Ứng dụng công nghệ cao – công nghệ chiết xuất để lấy được dưỡng chất quý của rong
Ứng dụng công nghệ cao – công nghệ chiết xuất để lấy được dưỡng chất quý của rong, cũng như khắc phục điểm yếu về mùi tanh của rong. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chế biến rong làm thuốc, nhựa sinh học, phụ gia thực phẩm.
Phát triển sản phẩm giá trị cao gắn với nhu cầu thị trường là yếu tố Kéo ngành rong biển đi lên. Liên kết chuỗi giá trị gắn với vùng trồng của người dân, doanh nghiệp để cùng chia sẻ, lợi ích và giá trị, từ đó người dân mới sẵn lòng trồng và phát triển rong là yếu tố Đẩy ngành rong không ngừng đi tới.
Ông Đinh Xuân Lập hy vọng, sự kiện ký liên kết khép kín chuỗi rong biển giá trị cao là một bước thúc đẩy ngành rong biển phát triển theo chuỗi giá trị bền vững, giúp nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho người sản xuất. Đây cũng là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả. Để tạo nên một chuỗi giá trị sản phẩm có hiệu quả cao, các thành phần tham gia chuỗi sẽ phối hợp đồng đều và chặt chẽ với nhau, đặc biệt là liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng rong biển.