Bài phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại Hội nghị Khoa học về Biển (ngày 6-8/6/1985)

Tại Hội nghị Khoa học về Biển (lần thứ III) tổ chức ngày 6-8/6/1985 tại Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách về khoa học kĩ thuật, đã có bài phát biểu quan trọng về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng vùng biển và hải đảo của Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ảnh Báo Đất Việt

(Thương mại Thủy sản trân trọng giới thiệu lại với bạn đọc bài phát biểu này, như thắp lên một nén hương thơm tưởng nhớ Người. Bài đã đăng trên Tạp chí Thủy sản của Bộ Thủy sản, số 1, 2, 3, 4 năm 1985-1986).

Thưa các đồng chí:

Hôm nay, tôi rất phấn khởi đến dự Hội nghị của các đồng chí. Thay mặt Hội đồng Bộ trưởng, tôi hoan nghênh Hội nghị Khoa học về Biển lần này của các đồng chí.

Tôi còn nhớ, cũng khoảng thời gian này, cách đây 8 năm (8-1977), Hội nghị Khoa học về Biển đã họp lần thứ nhất tại Nha Trang. Tôi có đến dự và phát biểu một số ý kiến với hội nghị. Khi đó nhân dân ta vừa bước sang một kỷ nguyên mới, nước nhà hoàn toàn độc lập và thống nhất, cả nước đi lên CNXH, chúng ta đã làm chủ đất nước – đất đai, bầu trời và biển cả. Lúc đó, có sự cần thiết cấp bách là phải nhanh chóng tập hợp lực lượng cán bộ khoa học và kĩ thuật về biển của chúng ta để sơ bộ thống nhất nhận định về tiềm năng của biển, đánh giá kết quả của công tác điều tra, thăm dò và nghiên cứu khoa học về biển và bước đầu đề ra phương hướng, nhiệm vụ của hoạt động khoa học và kĩ thuật về biển, nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Đến năm 1981, cũng tại Nha Trang, Hội nghị Khoa học về Biển lần thứ hai đã được tổ chức để thông báo tình hình và kết quả điều tra nghiên cứu biển ở nước ta trong thời gian 1976 – 1980 và đề ra phương hướng công tác cho thời gian tiếp theo.

Như vậy là trong khoảng 10 năm, kể từ khi đất nước chúng ta hoàn toàn thống nhất và từ năm 1977 khi Chính phủ ta ra tuyên bố về vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền đến nay, đây là lần thứ ba chúng ta triệu tập hội nghị khoa học về Biển.

Cuộc Hội nghị lần này được triệu tập với thành phần rộng hơn, đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các giới khoa học và kĩ thuật, cũng như kinh tế và xã hội có liên quan đến biển cả ở phía Đông nước ta. Được sự hưởng ứng đầy nhiệt tình, Hội nghị đã tập hợp được một lực lượng khá quan trọng thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, bao gồm các nhà khoa học và các nhà quản lý đại diện cho các cơ quan nghiên cứu khoa học (cả khoa học tự nhiên, khoa học –kĩ thuật và khoa học xã hội), các cơ quan quản lý ở Trung ương, các bộ, các ngành kinh tế có liên quan đến biển và đại diện của một số địa phương ven biển. Đáng tiếc là Hội nghị lần này thiếu đại diện của các ngành đại học và trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và giáo dục phổ thông.

Các bản báo cáo phần lớn có chất lượng được trình bày tại Hội nghị đã cho chúng ra thấy một cách tổng quan những nét lớn của hoạt động kinh tế - xã hội cũng như khoa học kĩ thuật về biển. Các báo cáo đã cung cấp một lượng thông tin khá phong phú, mặc dầu chưa đầy đủ, đã góp phần nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng của biển và nói lên nguyện vọng chung là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác điều tra nghiên cứu cũng như sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của biển. Đứng về giác độ đó, cuộc Hội nghị đã thành công.

Đương nhiên những vấn đề được đề xuất không thể giải quyết trong Hội nghị này. Vì vậy, muốn cho Hội nghị có kết quả thiết thực có tác dụng chỉ đạo thực tiễn thì cần phải soạn thảo một văn bản có nội dung tập trung hơn, nêu ra những phương hướng hành động có trọng điểm, nhất là đề xuất được một hình thức thống nhất chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ giữa các mặt hoạt động có liên quan đến biển. Tôi nghĩ rằng, nhiệm vụ ấy có thể giao cho Tiểu ban chuẩn bị Hội nghị. Tiểu ban ấy sẽ tiếp tục làm và hoàn thành trong một thời gian không lâu. Nếu các đồng chí đại biểu nhất trí tán thành thì chúng ta coi cách làm ấy như là một nghị quyết của Hội nghị Khoa học về Biển của chúng ta.

Trong Hội nghị này, các đồng chí đã phát biểu nhiều. Tôi chỉ muốn phát biểu thêm một số ý kiến, chủ yếu về ba vấn đề:

1. Về tầm quan trọng rất lớn của biển đối với sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

2. Một số ý kiến về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội trên miền biển; Vấn đề xác định các phương hướng trọng điểm cũng như một số tư tưởng chỉ đạo cần chú trọng.

3. Vấn đề xây dựng tiềm lực khoa học – kĩ thuật về biển.

I. Nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng của biển đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta

Nước ta có 329.000km2 đất liền và phía Đông lại có biển.

Biển liên kết với đất liền tạo nên thể thống nhất của lãnh thổ nước ta.

Vùng biển của nước ta có vùng nội hải, lãnh hải, vùng biển đặc quyền về kinh tế, có thềm lục địa rộng lớn, hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và hàng nghìn hải đảo lớn nhỏ.

Riêng vùng biển đặc quyền về kinh tế đã có diện tích trên 1 triệu km2, gấp ba lần diện tích đất liền.

Trên thế giới, không phải nước nào cũng có biển, mặc dù ba phần tư Trái đất là biển và đại dương.

Cho nên, chỉ riêng việc nước Việt Nam là một quốc gia có biển, dù tài nguyên biển có thể to lớn hay hạn chế, thì đó cũng đã là sự ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên đối với nước ta.

Nước ta ở trong vùng nhiệt đới. Biển Đông của chúng ta kề sát bên rìa lục địa, chủ yếu là một vùng biển nhiệt đới mang tính chất địa phương, có tính quy luật riêng về nhiều mặt như khí tượng - hải văn, chế độ thủy triều… Hiện tượng nổi bật là sự xuất hiện vùng nước trồi (up-welling) - một vùng sinh thái đặc biệt phong phú, đa dạng, nơi tập trung nhiều loài sinh vật biển - mà hiện nay chúng ta còn hiểu biết rất ít.

Biển Đông nước ta lại là một biển mở, thông với đại dương. Quy luật biển liên quan chặt chẽ với quy luật đại dương. Vì thế muốn hiểu biết biển phải hiểu biết cả đại dương. Hiểu biết đại dương để hiểu biết đầy đủ hơn về biển.

Sự kết hợp chặt chẽ giữa tính chất địa phương và tính chất đại dương đã có ảnh hưởng quan trọng đến sự phân bố biến động của tài nguyên biển, sự di cư các luồng sinh vật biển, các đàn cá, tôm.. do đó, ảnh hưởng đến trữ lượng và khả năng khai thác tài nguyên biển, đặc biệt là tài nguyên sinh vật ở vùng biển nước ta.

Những gì diễn ra trên Biển Đông đều có liên quan chặt chẽ với đất liền và đại dương. Không có Biển Đông, không có chế độ gió mùa, có thể nước ta đã trở thành một vùng hoang mạc hay savan rộng lớn.

Biển Đông với những đặc điểm nói trên, có ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành các đặc điểm tự nhiên của lãnh thổ, đến sự phát sinh và phát triển của các quẩn thể động vật, thực vật trên đất liền. Khí hậu vùng biển có ảnh hưởng tự nhiên sâu sắc đến cân bằng sinh thái và môi trường sống. Lượng ẩm dồi dào của khí quyển đại dương cùng với gió mùa tạo ra trên lãnh thổ nước ta một thiên nhiên nhiệt đới đặc biệt, với nguồn tài nguyên sinh vật đất liền và sinh vật biển phong phú, đa dạng. Các vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương và Địa Trung Hải chạy qua Biển Đông đem lại cho nước ta nhiều loại tài nguyên chiến lược.

Biển tạo ra nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển đất nước, nhưng cũng gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất và đời sống kinh tế, xã hội trên đất liền. Hằng năm đã có hơn một nửa số cơn bão và áp thấp nhiệt đới đi vào lãnh thổ nước ta. Hiện tượng xói lở bồi lắng ở rìa lục địa… đang đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần giải quyết.

Biển Đông của nước ta từ nhiều thế kỷ đã được coi là một vùng biển tương đối giàu có về tài nguyên, được xếp vào hàng quan trọng trong số hơn 10 biển trên thế giới.

Biển Đông có những nguồn tài nguyên tái tạo phong phú, đa dạng và những nguồn tài nguyên không tái tạo quan trọng.

Trước hết là nguồn tài nguyên sinh vật biển nhiệt đới với hàng vạn loài thực vật có giá trị kinh tế và khoa học. Có nhiều loài đặc sản có giá trị, có khả năng khai thác (đánh bắt, nuôi trồng) có ý nghĩa quan trọng về thực phẩm, dược liệu, nguyên liệu cho công nghiệp và sản phẩm xuất khẩu. Cá (với hàng trăm loài có giá trị kinh tế) và tôm (với hàng chục loài có giá trị kinh tế) là những loài được khai thác phổ biến hiện nay. Nhiều nguồn lợi đặc sản nhiệt đới có triển vọng khai thác, trở thành những đối tượng nuôi, trồng có giá trị: Các loài giáp xác (cua, ghẹ…); nhuyễn thể (mực, vẹm, hàu; sò huyết…); rong tảo (rong câu, tảo đơn bào như Chlorella, Spirulina…); một số loài động vật biển có giá trị đặc biệt về kinh tế và khoa học như san hô đỏ, sam (mà một số nước coi là nguồn lợi đặc biệt có chính sách riêng để bảo vệ và khuyến khích nuôi), đồi mồi, rắn biển, chim biển (chim yến), thú biển… Đó là những nguồn tài nguyên tái sinh mà chúng ta cần có biện pháp bảo vệ, khai thác hợp lý.

Thứ hai, là một số dạng tài nguyên năng lượng có thể tái tạo được như thủy triều, hải lưu, sóng biển, đặc biệt là sử dụng nhiệt năng của biển, mà hiện nay sự hiểu biết và khả năng khai thác còn hạn chế.

Biển Đông với thềm lục địa giàu có, phần lớn diện tích có độ sâu 10 – 50m, tương đối thuận lợi cho việc khai thác, còn chứa đựng nhiều loại tài nguyên không tái tạo, nghĩa là sẽ cạn kiệt nhanh hay chậm tùy thuộc vào trình độ và cường độ khai thác, sử dụng của chúng ta. Đặc biệt quan trọng là dầu khí ở thềm lục địa mà hiện nay chúng ta đang thăm dò, tìm kiếm. Các sa khoáng ở ven biển, đặc biệt là sa khoáng inmenhit – zireon – monazit có triển vọng sớm đưa vào khai thác. Các hóa chất hòa tan trong nước biển (muối ăn, clo, brôm,…) cát ven biển để làm vật liệu xây dựng, cát thạch anh để sản xuất thủy tinh quang học. Một số khoáng sản ở đáy biển có thể có triển vọng như kết thạch sắt – mănggan,…

Đó là những tài nguyên quan trọng để phát triển nền kinh tế biển của nước ta.

Biển Đông là nhân tố quan trọng để mở rộng giao lưu quốc tế giữa nước ta với Liên Xô, đặc biệt là vùng Viễn Đông Liên Xô, với các nước XHCN anh em khác, với nhiều quốc gia trên thế giới và các nước trong khu vực Đông Nam châu Á và châu Á – Thái Bình Dương. Các đường hàng hải quốc tế qua lại Biển Đông, nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, nối liền châu Á với châu Âu, châu Úc và Trung Đông.

Cùng với mạng lưới sông ngòi trên đất liền, Biển Đông còn là nhân tố thuận lợi để mở rộng liên kết giữa các địa phương ven biển, giữa các vùng kinh tế trong nước.

Vùng biển rộng lớn của nước ta thuận lợi cho việc mở mang ngành hàng hải, phát triển giao thông vận tải biển, các công trình ven biển, phát triển các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại quốc tế.

Biển Đông của nước ta là một không gian chiến lược đặc biệt quan trọng đối với nền an ninh và quốc phòng của đất nước.

Nước ta, hình thể đất nước kéo dài, có nơi chiều ngang chỉ rộng 40 – 50km. Mạng lưới sông ngòi chằng chịt chảy qua các miền chiến lược của đất nước, chia cắt dải đất liền thành nhiều khúc, cắt nhỏ các tuyến giao thông chiến lược Bắc Nam; Ở nhiều nơi, núi chạy ra sát biển, tạo thành những địa hình hiểm trở, những vùng vịnh kín, xen lẫn với những bờ biển bằng phẳng, thuận tiện cho việc trú quân và chuyển quân bằng đường biển.

Hệ thống quần đảo và hải đảo cùng với dải đất ven biển hình thành tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, với thế bố trí chiến lược kết hợp trên bờ, dưới nước tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển của nước ta.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đường biển luôn là một hướng tiến công quan trọng của kẻ thù xâm lược.

Biển Đông với những đặc điểm về địa hình, địa thế, về thủy triều… như vậy có ý nghĩa sống còn đối với nền an ninh và quốc phòng của nước ta.

Không phải chỉ ngày nay, biển mới có vai trò và tầm quan trọng như vậy.

Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, biển đã có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc ta, đối với công cuộc dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Từ xa xưa, sự phát triển của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với sông biển. Người Lạc Việt theo nước thủy triều lên xuống mà khẩn ruộng. Người Việt cổ giỏi bơi lặn, khéo đóng thuyền, thạo nghề đi biển.

Từ rất sớm, dân tộc ta đã phát triển nghề cá, nghề muối, khai thác hải sản…, đã từng quai đê, lấn biển, mở mang diện tích trồng trọt ở các vùng ven biển.

Các triều đại Tiền Lê, Lý, Trần, Lê,… đều chú trọng đến biển. Các trung tâm kinh tế thời trước đều tập trung ở ven biển. Các Nhà nước độc lập có ý thức rõ rệt về cương giới ngoài biển, đã ban hành chính sách và có những hành động để thực hiện chủ quyền của quốc gia trên biển. Các vua Triều Lý đã đích thân đi tuần tra các cù lao ngoài biển. Thời Lý tổ chức các “trang”, thời Trần tổ chức các “trấn”, thời Lê đặt “tuần kiểm” ở các xứ biển để quản lý biển, thu thuế các tàu thuyền nước ngoài.

Nghề hàng hải và giao thông vận tải đường biển đã phát triển mạnh ngay từ những thập niên đầu của kỷ nguyên Đại Việt. Cùng với sự phát triển các đội thương thuyền, hệ thống cảng và quân cảng đã từng bước được hình thành từ Bắc đến Nam. Cảng Vân Đồn nổi tiếng ở thời Lý – Trần – Lê, vừa là cảng kinh tế, vừa là cảng quân sự phòng giữ miền Đông - Bắc. Sự giao lưu quốc tế và việc buôn bán bằng đường biển với các nước trong vùng Đông Nam châu Á ngày càng được mở rộng. Đường hàng hải quốc tế ở phương Đông qua vùng biển nước ta trở nên phồn thịnh, thúc đẩy ngoại thương phát triển. Nước ta đã xuất khẩu nhiều đặc sản quý của biển như đồi mồi, ngọc trai, san hô…

Kĩ thuật chế tạo tàu thuyền sớm phát triển với nhiều nét độc đáo. Người Hà Lan, người Anh ở thế kỷ 18 đã đánh giá cao, đã học tập và áp dụng cách chia khoang thuyền của người Việt Nam vào ngành đóng tàu của họ.

Lịch sử còn ghi rõ, cha ông ta đã sớm biết dùng thủy binh để chuyển quân trên sông, biển. Tri  thức phong phú và tài thao lược của Tổ tiên trong đánh giặc trên biển đã được phát triển và tích lũy từ rất sớm. Thủy quân Đại Việt đã từng đứng vào bậc nhất nhì ở Đông Nam châu Á và châu Á - Thái Bình Dương. Thủy quân đã có truyền thống chiến đấu giỏi ở trên biển, trên sông và luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng dưới nước và lực lượng trên bờ. Thời Tây Sơn, các hạm đội và tàu thuyền vào Nam ra Bắc đi lại hết sức nhanh chóng.

Trong lịch sử chống ngoại xâm, trên mặt Biển Đông đã diễn ra biết bao trận thủy chiến hết sức oanh liệt.

Bước sang thời kỳ cận đại, chủ nghĩa đế quốc với chính sách pháo hạm và sức mạnh của nền công nghiệp hiện đại đã tiến hành xâm lược nước ta. Khi chủ quyền quốc gia đã mất thì chủ quyền trên biển cũng không còn.

Sứ mệnh lịch sử và nhiệm vụ trọng đại đặt ra là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội. Hoạt động của nhân dân trong nhiều thế kỷ tập trung chủ yếu vào cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Trong thời gian dài, chúng ta chỉ lo cho chuyện trên đất liền. Trong những năm kháng chiến, chúng ta chỉ có rừng, có đêm. Hải phận nước ta vẫn do thực dân và đế quốc kiểm soát. Nhưng biển, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp phần không nhỏ vào chiến công của nhân dân ta trong hai cuộc kháng  chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Chỉ đến khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, chúng ta mới thực sự giành lại chủ quyền trên biển.

Bác Hồ của chúng ra đã có một câu nói nổi tiếng, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc: “Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển; bờ biển nước ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ lấy nó”.

Biển và tài nguyên biển luôn là mối quan tâm của Đảng và Nhà nước ta. Báo cáo Chính trị tại các Đại hội Đảng lần thứ IV và thứ V do đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày cũng như Nghị quyết của nhiều Hội nghị Trung ương đã nêu rõ: nước ta có đất liền, có vùng biển rộng lớn, có khả năng phát triển nghề cá, giao thông vận tải đường biển…, nói đến vai trò của huyện trong việc xây dựng kinh tế miền biển, lấy huyện ven biển làm địa bàn chính để tổ chức lại sản xuất, khai thác miền biển theo hướng ngư – nông – công nghiệp kết hợp với quốc phòng, xây dựng huyện thành pháo đài bảo vệ Tổ quốc… và nhấn mạnh đến việc xây dựng và bảo vệ vùng biển, tiến hành phân vùng quy hoạch sản xuất để phát triển miền biển.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng, chúng ta đã tiến hành nhiều hoạt động để phát huy quyền làm chủ trên biển.

Hoạt động khoa học và kĩ thuật về biển đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế biến, cũng như các hoạt động quốc phòng và an ninh trên biển. Mặc dù mức đầu tư hạn chế, một số chương trình điều tra tổng hợp vùng biển và thềm lục địa, chương trình nghiên cứu chuyên đề phục vụ cho khai thác hải sản, tìm kiếm thăm dò dầu khí giao thông vận tải đường biển… đã được triển khai. Chúng ta đã nắm được một số đặc điểm tự nhiên vùng biển và sơ bộ tìm hiểu những tài nguyên chính (sinh vật, dầu khí, khoảng sản…) của biển. Công tác điều tra nghiên cứu nói chung còn ở mức độ mô tả và phát hiện hiện tượng, chưa đi sâu vào bản chất và quy luật. Kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu cao của công tác quy hoạch phát triển kinh tế và xã hội vùng biển hiện nay, nhưng đã phần nào phục vụ được cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh và cho công tác nghiên cứu khoa học.

Các ngành có liên quan đến biển, các địa phương ven biển đều có nhiều cố gắng trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ, quản lý biển và các nguồn lợi của biển.

Ngành Hải sản, một ngành kinh tế - kĩ thuật đã có sự trưởng thành và tiến bộ đáng kể, tạo ra được bước chuyển biến quan trọng nhờ biết kết hợp tốt hoạt động khoa học và kĩ thuật với việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Việc tìm kiếm và thăm dò dầu khí được thực hiện liên doanh với Liên Xô cũng đạt được những kết quả bước đầu. Chúng ta đã phát hiện thấy dầu. Tuy nhiên, cần phải có thời gian mới có thể đánh giá được trữ lượng.

Ngành giao thông vận tải biển cũng đã có những đóng góp và tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa đáp ứng được những yêu cầu của nền kinh tế quốc dân.

Ngành du lịch cũng đã được phát triển ở một số nơi ven biển.

Về phát triển kinh tế và xã hội ở vùng biển, việc tiến hành tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện theo hướng xây dựng cơ cấu kinh tế ngư – nông – lâm – công nghiệp cũng đã đạt được kết quả ở nhiều nơi. Đã có nhiều điển hình thành công như huyện Duyên Hải ở thành phố Hải Phòng và ở nhiều địa phương ven biển khác như Minh Hải, Kiên Giang, Phú Khánh, Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Ninh… Song nhìn chung trên toàn bộ vùng ven biển, sự phát triển đó không đồng đều.

Về mặt quốc phòng và an ninh, Hải quân và lực lượng vũ trang nhân dân đã có nhiều hoạt động quan trọng để bảo vệ chủ quyền của nước ta trên biển, bảo vệ việc điều tra, khai thác sử dựng biển và tài nguyên biển. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta mới chỉ bảo vệ được phần nào, kiểm soát được phần nào vùng biển và tài nguyên biển của nước ta.

Trong nhiều thế kỷ, Biển Đông đã nổi tiếng là một vùng biển quan trọng.

Biển Đông đã được nhân dân ta khai thác và sử dụng từ lâu.Tuy nhiên, trước kia cũng như hiện nay, tầm quan trọng và tiềm năng của biển chưa được chúng ta phân tích và đánh giá đầy đủ. Trong lĩnh vực hiểu biết, khai thác, sử dụng biển và tài nguyên biển, chúng ta còn lạc hậu so với những sự hiểu biết khai thác và sử dụng đất liền và tài nguyên trên đất liền. Kinh tế biển chưa có vị trí xứng đáng trong nền kinh tế quốc dân của nước ta. Nói khác đi, chúng ta vẫn còn quay lưng lại với biển.

Trong khi đó, biển và đại dương hiện nay đang trở thành một vấn đề thời sự có tính toàn cầu không chỉ quan trọng về mặt nhận thức, mà còn có ý nghĩa cấp bách đối với hành động của chúng ta ngay trong chặng đường đầu tiên của quá trình công nghiệp hóa XHCN.

Trong những thập niên vừa qua, sự xuất hiện những vấn đề toàn cầu: dân số, lương thực – thực phẩm, năng lượng – nhiên liệu, nguyên liệu – vật liệu, nguồn nước, tài nguyên, môi trường, sức khỏe… đã làm thay đổi vị trí của biển và đại dương trong nền kinh tế thế giới.

Người ra, dự báo vào năm 2000 (so với năm 1975), tiêu thụ năng lượng sẽ tăng gấp 2 – 3 lần, tiêu thụ khoáng sản sẽ tăng gấp 3 lần, còn nhu cầu prôtêin là vấn đề nghiêm trọng trước hết đối với hơn 1 tỷ người thiếu ăn và suy dinh dưỡng ở các nước đang phát triển là nơi sẽ tập trung hơn 80% dân số thế giới.

Nhờ những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật hiện đại, con người đã phát hiện ở biển và đại dương nguồn tiềm năng to lớn trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu: Mở rộng khả năng nuôi trồng thủy sản để tăng thêm nguồn prôtêin. Cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt, tưới tiêu nông nghiệp và sản xuất công nghiệp nhờ kĩ thuật và công nghệ khử mặn nước biển. Khai thác các mỏ dầu và khí đốt ở biển và thềm lục địa với quy mô hàng tỷ tấn. Khai thác các cuội kết đa kim loại ở đáy đại dương là nguồn dự trữ những nguyên liệu chiến lược như mănggan, niken, đồng, côban… mà con người vừa phát hiện hàng trăm tỷ tấn ở Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Khai thác các sa khoáng và hóa chất hòa tan trong nước biển. Khai thác nguồn năng lượng biển ở dạng nhiệt năng (tương đương với hàng tỷ KWh điện). Biển còn là kho dự trữ hydrô vô tận cho nguồn năng lượng nhiệt hạch trong tương lai. Phát triển các loại phương tiện hàng hải, vận tải và thông tin liên lạc ở biển, trên mặt biển và trong lòng biển. Kiến trúc và xây dựng hải cảng, thành phố, các công trình ở bở biển, trong lòng biển và dưới đáy biển…

Biển và đại dương đã được coi là nguồn của cải vô tận có thể thỏa mãn các nhu cầu của con người trước nhịp độ gia tăng dân số ngày càng nhanh trên thế giới.

Đại dương được coi là “ranh giới cuối cùng”, tài nguyên biển và đại dương là “nơi nương tựa cuối cùng” để giải quyết thức ăn, nước uống, nguyên liệu và năng lượng cho nhân loại.

Người ta gọi đại dương là “lục địa thứ sáu” và cùng với sự thách thức vũ trụ, “sự thách thức đại dương” trở thành “sự thách thức của thế kỷ 21”.

Xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới, không chỉ riêng các nước công nghiệp phát triển mà cả những nước đang phát triển bị hạn chế về vốn và kĩ thuật cũng ngày càng chú ý đến biển nhiều hơn, coi trọng những tiềm năng của biển và đại dương nhiều hơn.

Với sự phát triển của khoa học và kĩ thuật hiện đại, các nước không chỉ khai thác, quản lý vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế mà còn đi ra đại dương, thi nhau khai thác đại dương, nhất là khi phát hiện ra nhiều tài nguyên giá trị như cuội kết đa kim loại…

Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển khẳng định các tài nguyên đại dương nằm ngoài giới hạn 200 hải lý thuộc chủ quyền các quốc gia có biển là “tài sản chung của nhân loại”. Mọi quốc gia trên thế giới, dù có biển hay không có biển, đều có quyền tham gia đầu tư thăm dò, khai thác và kinh doanh theo các quy định của Công ước.

Nếu như trước đây, việc khai thác biển và đại dương là độc quyền của một vài nước tiên tiến trên thế giới, thì ngày nay trong sự quan tâm của hàng trăm nước, nhiều nước, trong đó có nước đang phát triển (như Ấn Độ, …) đã vạch ra chính sách khai thác tài nguyên biển và đại dương, mở rộng nguồn tài chính, xây dựng tổ chức, đào tạo cán bộ và triển khai nhiều chương trình quốc gia trong lĩnh vực này.

Việc khai thác biển và đại dương, mà theo dự báo sẽ chiếm giữ vai trò hàng đầu trong nền kinh tế thế giới tương lai, ngày nay đã trở thành một hoạt động thực tế hàng ngày, đóng góp phần quan trọng vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế thế giới.

Ở mức độ mà tầm quan trọng của biển và đại dương thế giới ngày càng tăng lên, Biển Đông của nước ta lại càng có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt ở Đông Nam châu Á và châu Á – Thái Bình Dương.

Khu vực này hiện nay đang là nơi tập trung nhiều mâu thuẫn chính trị và kinh tế quốc tế.

Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế, đứng đầu là đế quốc Mỹ, với chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương, coi khu vực này là một khu vực chiến lược có tầm quan trọng cốt tử ngày càng lớn.

Với sự bành trướng của chủ nghĩa đế quốc, việc phát hiện ra những triển vọng to lớn về dầu mỏ ở ngoài khơi và thềm lục địa, và đặc biệt là sự phát hiện cuội kết đa kim loại ở nhiều khu vực thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương lại càng làm cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương trở thành một nơi tranh chấp tài nguyên có thể dẫn đến sự căng thẳng hoặc đối đầu giữa các nước đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ, với các quốc gia trong khu vực.

Châu Á – Thái Bình Dương là nơi diễn ra hằng ngày cuộc đấu tranh quyết liệt “ai thắng ai” về mọi mặt giữa hai con đường XHCN và TBCN. Cuộc đấu tranh đó cũng ngày càng quyết liệt ở ngay trên Biển Đông này, đã đặt ra những nhiệm vụ to lớn đối với các vấn đề kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh của Việt Nam và bán đảo Đông Dương.

Ngày nay, chúng ta cần nhận thức đầy đủ hơn vị trí và tiềm năng kinh tế của vùng biển nước ta, đánh giá cho đúng tầm quan trọng chiến lược của biển đối với sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Biển trong sự thống nhất với đất liền và đại dương, với vị trí địa lý chiến lược, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng đối với nước ta.

Chúng ta phải ra sức xây dựng một nền kinh tế biển mạnh, một lực lượng quân sự trên biển mạnh, một nền khoa học và kĩ thuật về biển mạnh.

Sự tổng hợp của những nhân tố đó sẽ tạo thành sức mạnh trên biển của đất nước ta, tạo ra năng lực làm chủ biển và đại dương của nhân dân ta.

(Còn tiếp)

Vietfish.org
Đăng ngày 12/10/2013
Kinh tế

Xuất khẩu một tháng trở lại tỷ đô sau 27 tháng

Tháng 10/2024, xuất khẩu thủy sản 1,1 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là lần đầu tiên sau 27 tháng kể từ tháng 6/2022 đã trở lại mức tỷ đô một tháng. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024 đạt 8,33 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái với các mặt hàng chủ lực và các thị trường chính đều tăng.

Tôm thẻ
• 10:00 25/11/2024

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Chuyển đổi xanh trong ngành chế biến thủy sản, đặc biệt là tôm đông lạnh, không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên, hành trình này đang gặp nhiều rào cản lớn liên quan đến chi phí, cơ sở hạ tầng và quản lý năng lượng.

Chế biến tôm
• 10:29 21/11/2024

Cua ghẹ Việt Nam tăng trưởng ấn tượng khi hút hàng tại Trung Quốc

Xuất khẩu cua ghẹ và các loại giáp xác khác của Việt Nam đang có sự bứt phá ngoạn mục trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại Trung Quốc. Số liệu từ tháng 9/2024 cho thấy, ngành hàng này tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.

Ghẹ
• 09:34 20/11/2024

Xuất khẩu cua ghẹ và nhuyễn thể tiếp tục tăng từ đầu năm đến nay

Ngành thủy sản Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu khả quan trong xuất khẩu, đặc biệt đối với nhóm sản phẩm cua ghẹ và nhuyễn thể có vỏ. Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả nước đã đạt mức ấn tượng trong tháng 10/2024, với kim ngạch hơn 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhuyễn thể
• 11:14 18/11/2024

Loài tảo mới làm thức ăn cho cá tôm

Các nhà nghiên cứu Philippines tại Trung tâm Phát triển Thủy sản Đông Nam Á (SEAFDEC/AQD) đang thử nghiệm “tảo spaghetti”, có tên khoa học là Chaetomorpha linum, trong thành phần thức ăn cho cá và tôm nhằm giảm chi phí thức ăn thủy sản.

Tảo
• 15:13 26/11/2024

Thực hư trị bệnh EHP trong nuôi tôm

EHP (Enterocytozoon hepatopenaei) là một loại vi khuẩn ký sinh nội bào gây bệnh nghiêm trọng trên tôm nuôi. Loại vi khuẩn này làm suy giảm khả năng tiêu hóa và tăng trưởng của tôm, dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn cho người nuôi.

Tôm bệnh EHP
• 15:13 26/11/2024

Tiềm năng phát triển nghề nuôi hải sâm tại Bình Định

Hải sâm hay còn có tên gọi khác là đỉa biển hay sâm biển là một loài động vật biển chuyên ăn các loại xác chết của các loài động vật khác, vì lý do đó nên chúng còn thường được gọi là "Lao công của biển cả".

Hải sâm
• 15:13 26/11/2024

Bình Định tiếp tục hỗ trợ chi phí nguyên liệu cho 07 tàu cá trong đợt bổ sung năm 2023

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định vừa có quyết định số 3840/QĐ-UBND ngày 05/11/2024 phê duyệt đợt bổ sung năm 2023 cho các tàu cá được hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Tàu thuyền
• 15:13 26/11/2024

Chứng nhận ASC cho 1.860 ha tôm-rừng của 375 hộ dân

Ngày 21/11/2024, ở xã Tân Ân Tây (Ngọc Hiển, Cà Mau), 1.860 ha tôm-rừng của 375 hộ dân được tổ chức Bureau Veritas trao chứng nhận ASC và đây là chứng nhận ASC nhóm cho tôm-rừng đầu tiên tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Tôm rừng
• 15:13 26/11/2024
Some text some message..