Những sản phẩm được Trung Quốc ưa thích
Thủy sản Việt Nam xuất nhiều sang Trung Quốc có tôm chân trắng, tôm hùm, cá tra, cá basa, cá ngừ, cá khô, mực, cua, ốc, hàu. Với 1,9 tỷ USD, Trung Quốc là một trong ba thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024.
Những thủy sản được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng và nhập nhiều là cá hồi, tôm, cua, hàu, sò điệp, vẹm. Cá hồi được đánh giá cao vì mềm, hương vị đậm đà và tốt cho sức khỏe; có thể ăn sống như sushi, sashimi hoặc chế biến theo ẩm thực Trung Quốc.
Tôm thẻ chân trắng được yêu thích rộng rãi ở Trung Quốc, sử dụng trong các món xào, súp, bánh bao, lẩu. Người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao độ tươi, vị ngọt tự nhiên của tôm nhập khẩu.
Tôm hùm là món hải sản cao cấp, thường gắn với những dịp đặc biệt và trải nghiệm ẩm thực sang trọng. Tôm hùm được người Trung Quốc chế biến đa dạng từ hấp, nướng đơn giản đến cầu kỳ kiểu Quảng Đông hoặc sốt cay.
Cua được thị trường Trung Quốc ưa loại lớn vì nhiều thịt, nhất là các loài như cua Hoàng đế Alaska, cua Dungeness được đón nhận nhiêt tình.
Hàu tươi và đông lạnh đều phổ biến ở Trung Quốc được ăn sống, nướng, nấu lẩu. Người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao hương vị mặn của hàu, tin rằng có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Sò điệp nhập khẩu được đón nhận nồng nhiệt, như sò điệp Canada. Người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao sò điệp ở hương vị tinh tế và mềm.
Vẹm đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc, chủ yếu nhập từ New Zealand và Chilê. Người tiêu dùng Trung Quốc sử dụng vẹm trong nhiều món xào, hầm, mì ống.
Cơ hội thủy sản Việt Nam ở thị trường lớn nhất thế giới
Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe nhận định, cơ hội cho thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc trong năm 2025 rất lớn nhờ nhu cầu tiêu thụ mạnh, nhất là dòng sản phẩm tươi sống, cao cấp mà Việt Nam có nhiều lợi thế. Đặc biệt khi thương mại Trung Quốc và Hoa Kỳ dự báo sụt giảm do chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ và nguy cơ trả đũa của Trung Quốc, là cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất tôm hùm, cua, ốc, nghêu, hải sản sống.
Những thủy sản được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng và nhập nhiều là cá hồi, tôm, cua, hàu, sò điệp, vẹm
Thị trường thủy sản Trung Quốc năm 2023 đã đạt hơn 88 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hằng năm dự đoán khoảng 8%. Theo đó thì năm 2024 đã hơn 95 tỷ USD và năm 2028 tăng lên gần 130 tỷ USD. Đến năm 2030, thị trường Trung Quốc sẽ đóng góp gần 40% tăng trưởng tiêu thụ thủy sản toàn cầu, tương đương mức tăng hơn 5,5 triệu tấn.
Sự thịnh vượng về kinh tế và sở thích thủy sản của 1,4 tỷ người khiến Trung Quốc trở thành thị trường tăng trưởng thủy sản mạnh nhất trong thập kỷ này. Nội địa không đủ nên phải tăng nhập khẩu và dự đoán năm 2030, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới với 29 tỷ USD, vượt qua Mỹ với 25 tỷ USD.
Trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ có vai trò lớn trong định giá, tiêu chuẩn và cung cách đáp ứng. Những quyết định đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại thủy sản toàn cầu, thúc đẩy động lực cung ứng và cả yếu tố đầu vào trong sản xuất, nhất là các loài thủy sản cao cấp. Điều này buộc các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản phải theo dõi chặt chẽ sự thay đổi trong nhu cầu của Trung Quốc để xác định các cơ hội và cần thay đổi để đáp ứng.
Chất lượng cao và thương mại điện tử
Tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 vừa diễn ra, ông Nông Đức Lai là Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho hay, xu hướng tiêu dùng của người Trung Quốc, nhất là ở đô thị đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tình hình thực tế, thủy sản và sản phẩm thủy sản đang nằm trong nhóm bị cảnh báo nhiều nhất tại thị trường Trung Quốc với các lỗi: Chứng nhận, thủ tục giấy tờ kèm theo hàng hóa không đầy đủ; phụ gia thực phẩm; tem nhãn bao bì hàng hóa; chỉ tiêu chất lượng; thời hạn sử dụng.
Ông Lai khuyến nghị các cơ quan chức năng nước ta tăng cường quản lý, giám sát chất lượng hàng xuất khẩu; thường xuyên cập nhật, phổ biến đến doanh nghiệp các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc. Hàng hóa phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc; chú trọng xây dựng thương hiệu. Cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo tiếng Trung Quốc và am hiểu thị trường. Thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc phải sẵn sàng cạnh tranh với thủy sản của nước khác và cả của Trung Quốc.
Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe nhấn mạnh thêm, để khai thác tốt thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần nâng cao khả năng cung ứng qua các kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử. Thị trường Trung Quốc hiện nay, khoảng 1/3 tổng doanh số bán hàng đến từ giao dịch trực tuyến, dự báo năm 2025 tăng lên 36,5%. Trước kia người tiêu dùng Trung Quốc ưu tiên cá nguyên con nhưng nay bắt đầu yêu thích sự tiện lợi của việc mua trực tuyến và thủy sản chế biến sẵn.
Đáp ứng nhu cầu đó, cơ sở hạ tầng tại các điểm tiêu thụ thủy sản quan trọng của Trung Quốc đã được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp để nhanh chóng tiếp nhận sản phẩm tươi sống, đông lạnh. Tại Thượng Hải, cửa ngõ thủy sản của Trung Quốc, một cảng chuyên dụng chỉ phục vụ thủy sản tươi sống đã khai trương từ năm 2017. Cảng này nằm trên Hangshe, một hòn đảo nhỏ ở cửa sông Dương Tử, cảng đầu tiên tiếp nhận sản phẩm tươi sống vào thành phố đông dân nhất thế giới. Tương tự, ga hàng hóa sân bay quốc tế Pudong, cơ sở vận tải hàng không phục vụ Thượng Hải, đã thiết lập một kho lạnh công suất 100.000 tấn lưu giữ các mặt hàng dễ hư hỏng, đáp ứng khối lượng nhập khẩu cá hồi khổng lồ vào Trung Quốc.
Tôm thẻ chân trắng của Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao độ tươi, vị ngọt tự nhiên và đã nhập nhiều trong năm 2024
Cần có chiến lược lâu dài
Để khai thác tốt thị trường Trung Quốc cần thoát khỏi tư duy buôn chuyến lạc hậu trước đây. Bán thủy sản ở Trung Quốc bây giờ phải lập kế hoạch cẩn thận, hiểu biết cách thị trường vận hành để tham gia cho phù hợp.
Thương mại điện tử giúp thủy sản dễ tiếp cận các hộ gia đình Trung Quốc, và đã có nhiều doanh nghiệp khổng lồ hoạt động như Tmall, Taobao và JD. Tham gia các nền tảng này không dễ, vì họ chỉ chấp nhận những thương hiệu phổ biến và đã có doanh số cao ở Trung Quốc. Nếu thương hiệu chưa nổi tiếng, chỉ có thể tham gia các cửa hàng trên Wechat, từ đó xây dựng thương hiệu tiếp cận được thị trường Trung Quốc và dần mở rộng. Đồng thời, quan tâm sử dụng phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc để quảng bá, như WeChat và Weibo khá phổ biến ở Trung Quốc để quảng bá trực tuyến.
Chú ý đầu tư bao bì và nhãn mác thu hút người tiêu dùng, có thông tin về sản phẩm bằng tiếng Trung Quốc, và vật liệu đóng gói phù hợp vận chuyển đường dài. Cần thiết tặng kèm hướng dẫn nấu, công thức nấu hoặc tài liệu quảng cáo phù hợp với phong cách và hương vị nấu ăn của người Trung Quốc.
Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm đến nguồn gốc và tính bền vững của thủy sản. Cần triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho phép theo dõi sản phẩm từ thu hoạch, đánh bắt đến người tiêu dùng cuối cùng. Hợp tác chặt chẽ với các đối tác để bảo quản và phân phối đúng cách các sản phẩm thủy sản.