Cà Mau mua tôm chồng chất nỗi lo.
Tôm chết liên tiếp trên diện rộng
Ông cho biết: “Thả giống 2 lần đều chết sạch. Tôm nuôi được chừng một tháng là chết, không thu hoạch được, lỗ hơn 70 triệu đồng. Hết vốn rồi, ao bỏ trống, chưa biết làm gì”.
Ở xã Hòa Thành (TP Cà Mau) có 1.800 hộ chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, nay tôm chết hàng loạt. Anh Vương Chí Hiện, cán bộ khuyến ngư - khuyến nông xã Hòa Thành, cho biết: “Diện tích nuôi tôm công nghiệp 160 ha, đã thả giống 20 ha, tôm chết 60%”.
Từ đầu năm đến nay, tôm nuôi công nghiệp ở huyện Phú Tân (Cà Mau) chết trên diện tích hơn 200 ha, chiếm gần 50% diện tích đã thả nuôi.
Ông Nguyễn Văn Tiến ở ấp Tân Phú Thành (Phú Tân, Cà Mau) nói: “Gia đình có 9 ha nuôi tôm công nghiệp, vốn liếng đặt vào đó, tôm chết không còn biết làm gì”.
Phòng NN&PTNT Phú Tân thống kê, bà con thả giống trên 800 ha, có trên 200 ha tôm bị chết, tập trung ở các xã Tân Hưng Tây và Phú Tân.
Ở huyện Đầm Dơi (Cà Mau), ông Nguyễn Quốc Thống, Trưởng Phòng NN&PTNT cho biết, bà con thả giống được 650 ha tôm công nghiệp và quảng canh cải tiến, diện tích tôm chết lớn, nhiều hộ bị thiệt hại 100%.
Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau thống kê, kết quả xét nghiệm 200 mẫu tôm giống, có trên 60% mẫu nhiễm đốm trắng, còn lại là bệnh gan tụy và một số bệnh khác.
Ông Châu Công Bằng, PGĐ Sở NN&PTNT Cà Mau nói: “Diện tích tôm nuôi bị chết thực tế lớn hơn nhiều số liệu thống kê. Chúng tôi đang điều tra thiệt hại, tìm nguyên nhân để khắc phục tình trạng tôm chết bất thường”.
Các tỉnh lân cận như Bạc Liêu, Sóc Trăng đều ghi nhận tôm chết hàng loạt ngay từ đầu năm. Ông Nguyễn Văn Khởi, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, bà con thả giống tôm thẻ chân trắng 1.200 ha cũng bị chết trên 500 ha.
Diện tích thả tôm sú hơn 3.000 ha, bị thiệt hại hơn 30%. Ông Nguyễn Văn Khởi nói: “Nguy cơ dịch bệnh vụ mùa nuôi tôm năm nay sẽ không thua kém gì năm 2011”.
Thiếu nguyên liệu, công nhân mất việc
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho biết thiếu nguyên liệu diễn ra ngày càng trầm trọng, các nhà máy hoạt động không hết công suất.
Liên tục những ngày gần đây, công nhân chế biến thủy sản của doanh nghiệp Quốc Việt, Minh Phú (Cà Mau) ngưng việc một số bộ phận, đang đề nghị được hỗ trợ thêm vì thu nhập quá thấp.
Ông Ngô Văn Nga, TGĐ Cty Chế biến Thủy sản Quốc Việt nói: “Lương công nhân trả theo sản phẩm, nguyên liệu thiếu, giờ công ít thì làm sao trả lương cao, bằng những tháng trước được. Năm nay là năm thứ 3 tôm chết, rất khó khăn tìm nguyên liệu chế biến”.
Ông Chu Văn An, Phó TGĐ Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nói: “Các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu Minh Phú cần khoảng 180 tấn tôm nguyên liệu/ngày nhưng nguyên liệu thu mua chỉ được vài chục tấn.
Vả lại, yêu cầu tôm nguyên liệu chế biến xuất khẩu rất nghiêm ngặt, tôm sạch, không dư lượng kháng sinh nên phải lựa chọn kỹ. Chúng tôi tạm chia sản xuất ra thành 2 ca/ngày. Nhưng ca đầu vào xưởng vài tiếng đồng hồ đã hết nguyên liệu thì ca sau chỉ đến rồi về”.
Ông Lý Văn Thuận, thư ký Hiệp hội chế biến tôm xuất khẩu Cà Mau cho biết: “Cà Mau có 34 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu hoạt động chỉ khoảng 40% công suất nhưng lại không đều.
Những doanh nghiệp có vốn, trả tiền sớm mới mua được tôm, công nhân có việc làm. Những doanh nghiệp thiếu vốn, không mua được nguyên liệu, công nhân thiếu việc làm.
Đại bộ phận công nhân chế biến thủy sản Cà Mau hiện nay thiếu việc làm, lương thấp, đời sống khó khăn”.
Hội nghị Phòng chống dịch bệnh trên tôm hùm vừa được tổ chức tại Nha Trang.
Theo báo cáo của Vụ Nuôi trồng Thủy sản, cả nước hiện có trên 49.500 lồng nuôi tôm hùm, trong đó Phú Yên có 29.000 lồng, Khánh Hòa 19.000 lồng, tổng sản lượng mỗi năm khoảng 2.000 tấn.
Ở nhiều vùng nuôi, ô nhiễm trầm tích tăng nhanh do mật độ nuôi trong mỗi lồng, mật độ lồng trong khu vực nuôi quá cao. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên tôm hùm diễn biến phức tạp.