Khó rửa mặn
Gần nửa tháng qua, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn (xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) tranh thủ thu hoạch hết tôm nuôi và khẩn trương tháo nước rửa mặn cho đồng ruộng. Anh Tuấn chia sẻ: “Khâu rửa mặn là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến thành bại của vụ mùa. Vừa rồi, do nắng hạn gay gắt nên đất bị nhiễm mặn cao, chính vì thế phải rửa mặn thật kỹ, chứ nếu không cấy lúa xuống sẽ kém phát triển”.
Tương tự, nhiều nông dân khác ở vùng bán đảo Cà Mau cũng tranh thủ rửa mặn cho đất để sản xuất lúa - tôm. Tuy nhiên, nước ngọt đang thiếu trầm trọng. Bà Lê Thị Hà (xã Đông Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) tâm sự: “Tới vụ gieo cấy rồi nhưng nước mưa nắng ít quá không đủ để rửa mặn. Còn nước dưới sông cũng nhiễm mặn cao nên không thể bơm vào đồng ruộng được. Nông dân đang khát khao thời gian tới mưa nhiều hơn để có nước rửa mặn cho đất”.
Hiện độ mặn nhiều nơi trong vùng sản xuất lúa - tôm dao động từ 4‰ - 10‰. Với độ mặn cao như vậy chưa thể gieo sạ được. Trước tình hình lượng mưa phân bổ chưa đồng đều, ngành nông nghiệp khuyến cao nông dân trong vùng liên kết lại để rửa mặn đồng loạt, giúp giảm chi phí trong sản xuất và giảm độ mặn nhanh hơn. Khi rửa mặn triệt để cần kết hợp gia cố bờ bao, nạo vét hệ thống kênh mương, xổ phèn - mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Lúc độ mặn còn dưới 2‰ mới gieo sạ hoặc cấy lúa.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, cho biết: “Kế hoạch lấp một vụ lúa trên đất nuôi tôm của tỉnh khoảng 80.000ha. Tuy nhiên, để đạt kế hoạch đề ra rất khó. Lượng nước lũ trên thượng nguồn đổ về cực kỳ thấp so với trung bình nhiều năm nên nước mặn còn lại trong các kênh thủy lợi rất nhiều. Trong khi đó, lượng mưa ít nên việc rửa mạn không đạt yêu cầu”.
Hệ thống thủy lợi kém
Tại Hội thảo “Liên kết hợp tác sản xuất nông sản chủ lực tiểu vùng bán đảo Cà Mau” diễn ra mới đây, tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Phó giám đốc Trung tâm Chính sách và chiến lược NNNT miền Nam (Viện chính sách chiến lược phát triển NNNT), nhấn mạnh mô hình lúa tôm có lợi thế rất đặc trưng và là mô hình nông nghiệp thông minh của vùng bán đảo Cà Mau. Tiềm năng sản xuất lúa - tôm xấp xỉ 200.000ha. Quy trình sản xuất lúa - tôm rất phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP. Trồng lúa trên đất nuôi tôm cũng nâng cao được hiệu quả cho con tôm.
Tuy nhiên, cũng theo tiến sĩ Lộc, việc phát triển mô hình lúa - tôm chưa được nhân rộng như kỳ vọng do cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ chưa được quan tâm nhiều. “Hệ thống thủy lợi chưa hình thành những tiểu vùng kép kín, chưa ngăn mặn, giữ ngọt tốt. Chưa có chính sách cung ứng các loại giống chịu mặn, chất lượng tốt. Do đó, mô hình lúa - tôm chưa phát triển đạt hiệu quả cao nhất có thể”, tiến sĩ Lộc nhận xét.
Như vậy, một trong những nguyên nhân khiến việc sản xuất lúa - tôm đang gặp nhiều khó khăn là hệ thống hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu, khiến việc rửa mạn cho đất như hiện nay gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế này, ông Thao đề xuất: “Kiên Giang tiếp giáp với vùng bán đảo Cà Mau có 31 cống thông ra biển nhưng chúng tôi mới đầu tư được 6 cái, còn lại chưa có vốn đầu tư. Bức xúc nhất là cống Cái Lớn và Cái Bé. Nếu làm được hai cống này thì sẽ điều tiết được nước cả vùng bán đảo Cà Mau thuận lợi hơn. Qua đó, mô hình sản xuất lúa - tôm sẽ chủ động hơn”.