Ông Dương Ngọc Minh bạn thân của ca sĩ Mỹ Tâm
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch uỷ ban Cá nước ngọt, Phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, doanh nghiệp Bình An hay một số doanh nghiệp ngành cá tra đang gặp phải khó khăn về vốn cũng như nguồn nguyên liệu chỉ là nhất thời, thường rơi vào doanh nghiệp nhỏ. Trong thời gian tới, nếu thị trường được tháo gỡ thì hoạt động của ngành chắc chắn sẽ tốt hơn.
Ông Minh lý giải lý do dẫn đến nợ nần mà Bình An đang gặp phải là do không làm chủ được nguồn nguyên liệu: "Một doanh nghiệp sản xuất lớn mà không có quy trình khép kín từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu sẽ bị lệ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu bên ngoài. Đồng thời, sẽ không chủ động được thị trường đầu ra.
Một khi bị lệ thuộc, thì vấn đề thiếu, thừa nguyên liệu đều bị ảnh hưởng. Hậu quả dễ nhìn thấy nhất là không chủ động được giá thành, chi phí sẽ đội lên cao, mất khả năng cạnh tranh".
Ông cũng chia sẻ, tình hình thị trường hiện nay khiến cho người nông dân rất nhạy cảm. Nếu thấy có lời thì họ đầu tư, còn lỗ thì họ bỏ.
Một doanh nghiệp sản xuất lớn mà cứ trông chờ vào người nông dân có lãi, chịu đầu tư mới có nguyên liệu cung cấp cho mình thì rủi ro là rất lớn.
Người dân lo lắng trước nợ khủng của Công ty thủy sản Bình An
Theo một cách tính thông thường, nếu doanh nghiệp đầu tư vào nhà máy công suất 300 tấn cá/ngày, mà thực tế chỉ sản xuất được 50 tấn/ngày do thiếu nguyên liệu thì chi phí sản xuất phải cao gấp ba lần.
Do đó, để sản xuất có hiệu quả thì công suất hoạt động của nhà máy tối thiểu phải đạt trên 70%. Muốn đạt được như vậy, bắt buộc doanh nghiệp phải bỏ vốn nuôi cá, chủ động được ít nhất trên 50% nguyên liệu.
Một lý do khác mà ông đề cập đến là chi phí lãi vay sẽ là một gánh nặng đối với doanh nghiệp nếu sử dụng đồng vốn đầu tư không đúng hướng.
"Tuy nhiên, vấn đề mà Công ty Bình An đang gặp phải không phải là tình trạng chung của ngành Thủy sản" - Ông Dương Ngọc Minh khẳng định.
Vài ngày gần đây xuất hiện tình trạng người nuôi chạy đến một số doanh nghiệp lớn, uy tín để kêu bán cá nhằm thu hồi vốn. Để tiêu thụ hết lượng cá đến lứa thu hoạch cho người nuôi, Công ty cổ phần thuỷ sản Hùng Vương của ông Minh quyết định tăng mua nguyên liệu vào chế biến.
Một tín hiệu đáng mừng cho ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam là ngày 9/3 bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần 7 (POR7) đối với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.
Theo đó, việc các doanh nghiệp Việt Nam được giảm thuế chống bán phá giá sẽ tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cá tra không chỉ vào thị trường Mỹ mà vào các thị trường truyền thống khác.
Cần Thơ họp nóng triển khai chỉ đạo của Thủ tướng
Chiều ngày 14/3, tại UBND TP Cần Thơ diễn ra cuộc họp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra thông tin Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) do bà Phạm Thị Diệu Hiền làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc nợ nông dân mà chưa trả hết, trong khi bà Hiền đã ra nước ngoài.
Theo ông Võ Thành Thống, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ thì ngoài nội dung trên, lãnh đạo thành phố đã phân công thêm một số ngành tham gia vào tổ công tác để hỗ trợ điều tra.
Ông Thống cũng cho biết, liên quan đến tình hình tài chính của Bianfishco, chủ trương nhất quán của Thành uỷ, UBND TP Cần Thơ là ưu tiên bảo vệ chính đáng quyền lợi của người lao động, trực tiếp là đội ngũ công nhân đang làm việc tại Bianfishco. Bên cạnh đó là quan tâm đến quyền lợi của nông dân bán cá tra cho công ty mà chưa được trả dứt nợ.
Theo số liệu được đưa ra tại cuộc họp thì Bianfishco tuy không nợ thuế nhưng chưa nộp 20 tỷ đồng tiền phạt nộp thuế chậm. Hiện Bianfishco còn nợ nông dân hơn 261 tỷ đồng và nợ bảo hiểm xã hội 3 tỷ đồng.
Đối với những khoản nợ lớn ở các ngân hàng, đến chiều 14/3 tổ công tác vẫn chưa nắm rõ vì Bianfishco chưa có báo cáo đầy đủ.