Bangladesh nuôi tôm sú ở khu vực Sundarbans – khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới. Trong khi tôm thẻ chân trắng đang chiếm lĩnh ngành nuôi tôm trên thế giới thì Bangladesh vẫn tập trung vào tôm sú với kỹ thuật canh tác dựa trên truyền thống, đạt năng suất trung bình khoảng 330 kg/ha/vụ, các trại nuôi nhỏ thường có quy mô nhỏ hơn 1 ha.
Bangladesh tin rằng nếu cải tiến kỹ thuật nuôi thì sản lượng tôm sú có thể tăng lên đặt khoảng 1.200 kg/ha/vụ, tức là tăng gấp 3,7 lần so với hiện tại. Phát biểu trong Hội nghị toàn cầu lãnh đạo ngành nuôi trồng thủy sản, Syed Mahmudul Huq đại diện cho Bangladesh khẳng định nước này đã lên một kế hoạch hành động quốc gia được chính phủ hỗ trợ để thúc đẩy ngành nuôi sú trở thành ngành công nghiệp năng suất cao trong thời gian ngắn nhất.
Hiện tại, Bangladesh có 2 trại sản xuất giống tôm sú sạch mầm bệnh (SPF). Theo kế hoạch đến năm 2024, nước này sẽ có 20 trại sản xuất giống tôm sú SPF để cung cấp khoảng 3 tỷ tôm sú giống. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Bangladesh dành 30 triệu USD để thu hút các công ty tư nhân phát triển trại sản xuất giống SPF và thành lập các trung tâm sản xuất giống, trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật canh tác theo từng khu vực.
Bangladesh xem việc sản xuất theo khu vực là bước quan trọng để hiện đại hóa ngành nuôi tôm sú. Thông qua việc kết hợp với nhau thành các cụm nuôi lớn hơn, nông dân có thể mở rộng quy mô nuôi tôm, liên kết chuỗi sản xuất để bán tôm sú trực tiếp cho nhà máy chế biến, đồng thời đảm bảo an toàn sinh học tốt hơn. Trong năm 2018, 2019 đã có hai khu vực thí điểm nuôi tôm sú kết hợp theo khu vực tại Dumuria và Khulna, cả hai đều cho kết quả khả quan.
Kế hoạch sản xuất theo khu vực là dần chuyển đổi tất cả các trang trại truyền thống thành "trang trại rộng lớn được cải thiện kỹ thuật canh tác”, nhưng chỉ mở rộng theo chiều dọc để bảo tồn rừng ngập mặn Sundarbans. Những trại nuôi đủ điều kiện được kết nối với nhau để tạo nên hệ thống quản lý chung, được bao tiêu đầu ra và đào tạo, cập nhật kỹ thuật canh tác thường xuyên. Ngoài ra, Bangladesh cũng thúc đẩy phát triển truy xuất nguồn gốc điện tử như một cách để khẳng định chất lượng tôm sú của mình, từ đó nâng cao sức cạnh tranh khi xuất khẩu.
Bangladesh đã có một kế hoạch hoàn hảo phát triển ngành nuôi tôm sú của họ trong tương lai. Tuy nhiên ở hiện tại, con tôm sú Bangladesh vẫn đang phải vật lộn với nhiều thách thức, trong đó quan trọng nhất là: thiếu tôm giống bố mẹ sạch mầm bệnh và thiếu chuỗi liên kết sản xuất, nông dân không kết nối trực tiếp được với các công ty chế biến mà phải qua thu mua trung gian. Hai vấn đề này là nguyên nhân khiến cho ngành tôm sú Bangladesh cho đến nay vẫn còn nuôi quy mô nhỏ và năng suất thấp, làm giảm thu nhập của người nuôi và giảm chất lượng tôm sú khi đến nhà máy chế biến, vì người thu mua trung gian bảo quản và vận chuyển tôm không đúng quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, những người thu mua tôm trung gian hiện tại đang là mắc xích quan trọng của ngành khi họ nắm giữ tình hình sản xuất thực tế của nông dân. Vì vậy, loại bỏ thu mua trung gian sẽ là phần khó khăn nhất trong kế hoạch đổi mới ngành tôm sú của Bangladesh.
Bangladesh tin rằng với quy mô sản xuất lớn hơn, nước này sẽ xâm nhập thị trường quốc tế cho tôm sú như Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc. Với tổng diện tích nuôi tôm sú hiện tại là 184.821 ha, nếu kế hoạch cải tiến ngành tôm sú thành công, Bangladesh có thể đạt đến sản lượng khoảng 220.000 tấn/năm. Trong khi đó, Việt Nam là nước dẫn đầu về tôm sú hiện tại có sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Như vậy, kế hoạch của Bangladesh có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành tôm sú của Việt Nam.
Theo Neil Ramsden - The Undercurrent News