Những hành vi này không những hủy diệt nguồn lợi thủy sản, mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Từ cuối năm 2012 đến tháng 9/2013, Thanh tra Thủy sản đã xử phạt trên 830 vụ vi phạm trong lĩnh vực thủy sản. Đây là con số đáng báo động về tình hình khai thác thủy sản trái phép.
Ông Lê Thanh Bình, Chánh thanh tra Thủy sản Bình Thuận cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 200 tàu cá công suất lớn hành nghề giã cào bay. Một bộ phận trong số này thường xuyên lén lút, bất chấp quy định tiến vào khu vực gần bờ để khai thác.
Tàu giã cào bay luôn đi cặp, sau khi thả lưới, 2 tàu sẽ chạy song song với nhau để kéo lưới. Với chiều dài của dàn lưới giã cào từ 500-1.500 m và thả sâu đến tận đáy, mắt lưới lại nhỏ nên các loại hải sản tôm, cua, cá, mực lớn bé nằm giữa 2 tàu gần như bị quét sạch…
Nhiều ngư dân đã phải tốn cả chục triệu đồng mua sắm lại ngư lưới cụ vì bị giã cào bay cuốn phăng mất.
Bình Thuận là một trong 3 ngư trường lớn nhất cả nước, với bờ biển dài gần 200km và có nguồn lợi thủy sản dồi dào. Tuy nhiên, các hoạt động khai thác, đánh bắt trái phép hải sản thời gian qua đã làm Bình Thuận đứng trước nguy cơ suy giảm các nguồn lợi thủy sản, ô nhiễm môi trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo cho Thanh tra Thủy sản tăng cường nhiều biện pháp như theo dõi, kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do ngư trường rộng lớn nên không đủ lực lượng để xử lý hết các vi phạm trong khai thác thủy sản.
Để ngăn chặn tình trạng ngư dân sử dụng chất nổ khai thác thủy sản và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận chỉ đạo tăng cường các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản như giã cào bay, sử dụng chất nổ, dùng điện để khai thác thủy sản...
Bên cạnh đó, Thanh tra Thủy sản phối hợp với các lực lượng biên phòng, công an, các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương tăng cường nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giữ gìn an ninh trật tự trên biển; phối hợp với ngư dân để nắm bắt thông tin trên biển, đồng thời được sử dụng phương tiện của ngư dân để bắt giữ và xử lý vi phạm trên biển.
Trong xử lý vi phạm, các ngành chức năng phải thực hiện nghiêm minh, phạt mức cao nhất, ngoài ra còn tước quyền sử dụng giấy phép từ 9-12 tháng.
Đối với hành vi sử dụng chất nổ, ngoài xử phạt mức cao là tịch thu cả phương tiện đánh bắt, đồng thời cần cấm các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các loại chất nổ, chất độc, bộ kích điện để khai thác thủy sản./.