Tàu xa bờ nằm bờ
Đã gần hết tháng giêng nhưng trên sông Hàn và âu thuyền Thọ Quang (TP Đà Nẵng) vẫn còn hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ của các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… neo đậu chật kín. Trên bờ, các chủ tàu cứ đi qua đi lại gọi điện thoại liên hồi để tìm bạn cho chuyến đầu năm.
Mặc dù chỉ vài tiếng đồng hồ nữa là tàu phải rời âu thuyền Thọ Quang để lên đường đánh bắt nhưng anh Ngụy Văn (47 tuổi, trú xã Phổ Quang, Đức Phổ, Quảng Ngãi) cứ loay hoay gọi điện thoại tìm bạn để chuyến đầu năm đủ người. Anh Ngụy Văn có 35 năm kinh nghiệm đi biển, là chủ tàu QNg-98902TS có công suất 420CV, chuyên hành nghề lưới rê (hay còn gọi là lưới ni lông - PV) ở ngư trường Hoàng Sa, cách đất liền khoảng 200 - 300 hải lý về phía Đông Bắc. “Tàu tôi làm lưới rê, phải 11 người mới làm xuể, vậy mà chuẩn bị xuất bến tôi chỉ kiếm được có 8 người. Đành vậy, vì mùa này cá trúng dữ lắm. Anh em bàn nhau, mình làm gắng thêm chút nữa để thu nhập cao hơn”; anh Ngụy Văn than thở.
Nói về bấp bênh lao động nghề biển, anh Văn tâm sự: “Bạn bây giờ khan hiếm lắm. Năm nào cũng đi tìm rất vất vả. Phần lớn bạn không có lưới, chủ tàu phải đầu tư hết. Thế mà làm no thì họ ở lại, nếu đói là họ bỏ qua tàu khác làm, chủ tàu lại phải mất công chạy khắp nơi để gọi bạn. Chủ tàu không có gì ràng buộc để giữ bạn nên lao động trên tàu cứ hên - xui bấp bênh. Mọi năm tôi tìm bạn ở Quảng Ngãi thôi, nhưng năm nay tôi phải ra tận Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… để tìm bạn mà cũng không đủ chuyến biển đầu năm”.
Không chỉ tàu đánh bắt mới thiếu lao động, tàu hậu cần nghề cá cũng chung số phận. Gia đình thuyền trưởng Lê Văn Sang, chủ tàu hậu cần lớn nhất miền Trung ĐNa-90444 có công suất 1.200CV đã có 30 năm làm hậu cần nghề cá, vậy mà nhiều năm trở lại đây, tàu anh cũng khốn đốn vì thiếu lao động. Thuyền trưởng Sang tâm sự: “Hiện nay có xu hướng lao động nghề biển chuyển nghề lên bờ nên lao động nghề biển khan hiếm. Chính vì vậy, để đảm bảo tàu hoạt động liên tục, chúng tôi phải thuê lao động tỉnh ngoài. Để níu giữ lao động cho mình, chúng tôi phải đặt cọc trước nhưng nhiều khi họ phá cọc không chịu đi. Mỗi lần như thế mình phải vất vả đi kiếm người để thế vào”.
Trường hợp của anh Ngụy Văn và anh Lê Văn Sang cũng là “tình hình chung” đối với các chủ tàu ở miền Trung hiện nay. Sự xáo trộn của lao động nghề biển đã khiến hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ khu vực miền Trung phải chịu cảnh… bấp bênh vì không có lao động.
“Bán mạng cho biển”
Lao động nghề đi biển cực khổ, hiểm nguy, thậm chí được ví là “bán mạng cho biển” để kiếm tiền. Người làm nghề đi biển ngoài kinh nghiệm, sức khỏe ra thì cần phải gan lỳ, chịu đựng được hiểm nguy, sóng to gió lớn. Làm trong môi trường làm việc khắc nghiệt bậc nhất trong các nghề, thế nhưng lao động nghề đi biển lâu nay dường như không được đãi ngộ, không được đào tạo bài bản.
Đảm bảo đầu ra cho sản phẩm để thu nhập người lao động nghề biển được ổn định, yên tâm bám biển. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Cho tàu neo đậu trên bờ Đông sông Hàn chờ ngày đủ người để xuất bến, anh Trần Văn Ba, chủ tàu QNg-92215TS (xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) lý giải: “Trước đây người làm biển đông lắm nhưng mấy năm trở lại đây, cuộc sống bắt đầu khá giả lên, trên bờ nhiều việc nên người làm biển cũng chuyển nghề nhiều. Hiện nay, tính thu nhập bình quân của nghề đi biển khoảng từ 3 - 5 triệu đồng/tháng, nhưng để làm ra số tiền đó phải bỏ sức, phải chịu khổ cực hơn rất nhiều lần so với trên bờ. Trong khi, hiện nay ở trên bờ làm phụ hồ, một nghề đơn giản cũng kiếm được 150.000 đồng/ngày, tính ra cũng bằng làm nghề đi biển. Như thế họ bỏ biển là đúng thôi. Ngay cả con tôi, tôi cũng đầu tư cho nó đi học và khuyên hãy từ bỏ ý định theo nghề đi biển vì nghề đi biển quá gian truân và nguy hiểm”.
Anh Ba bảo, hiện nay những người còn bám biển phần lớn là chủ tàu, những người có lưới và những người yêu biển thực sự.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, thừa nhận sự bấp bênh của lao động nghề biển và lý giải: Trước đây bạn cần chủ, nay chủ cần bạn. Không có bạn, tàu phải nằm bờ. Sở dĩ bạn ngày một khan hiếm là vì trước đây họ làm kiểu cha truyền con nối, cha làm nghề biển thì con cũng bỏ học đi theo. Còn nay, cha mẹ làm nghề biển cho con đi học, không cho con theo nghề biển (mà có cho cũng ít đứa theo). Nghề đi biển trước đây chỉ có khổ cực, bây giờ ngư trường ngày càng xa lại thêm nguy hiểm, bởi khí hậu biến đổi, bão biển ngày càng nhiều và bất thường. Sau những mất mát quá lớn trên biển trong nhiều năm qua, người dân biển miền Trung bắt đầu ngại đi biển.
Ông Nguyễn Đỗ Tám nhận định, việc lao động nghề biển vừa thiếu vừa yếu như hiện nay sẽ là một cản ngại lớn trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nghề biển và đe dọa đến sự phát triển của ngành đánh bắt hải sản với mỗi năm mang về nguồn lợi khổng lồ.
Anh Ngụy Văn, chủ tàu QNg-98902TS: “Tôi làm nghề đi biển 35 năm cực khổ, gian truân nên tôi hướng con tôi phải gắng học để chuyển nghề chứ không thể sống được với nghề này mãi được. Nghề đi biển mà so với nghề trên bờ thì khổ gấp trăm lần. Cực khổ chúng tôi có thể chịu được nhưng đánh đổi mạng sống của con cái với bão biển thì không!”.