Hệ thống thủy lợi… yếu kém
Để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, các ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đã thông báo lịch điều tiết nước để các hộ dân biết, nhằm chủ động trong việc rửa mặn cho đất. Theo kế hoạch, các cống vùng mặn như Nọc Nạng, Khúc Tréo, Sư Son, Cây Gừa… sẽ mở tiêu thoát nước ra vào hai chiều. Còn các cống vùng nước ngọt như Láng Tròn, Đông Nàng Rền và các cống phân ranh mặn ngọt ở các huyện Giá Rai, Phước Long và Hồng Dân thì đóng lại để giữ nước. Năm nay, tỉnh Bạc Liêu có kế hoạch sản xuất lúa trên đất nuôi tôm khoảng 30.500ha, tập trung ở huyện Hồng Dân, Phước Long, một phần của huyện Vĩnh Lợi và Gái Rai. Còn tỉnh Kiên Giang, trồng lúa trên đất nuôi tôm dự kiến gần 65.000ha, tập trung ở vùng U Minh Thượng, huyện Gò Quao và thị xã Hà Tiên. Tỉnh Cà Mau cũng có kế hoạch sản xuất khoảng 42.800ha, tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Cà Mau… Ông Nguyễn Đình Nhanh, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, cho biết: “Năm rồi do rửa mặn không sạch đất, trong khi đó hạn đến sớm, nên nhiều hộ ở đây làm lúa không trúng. Rút kinh nghiệm, năm nay phải rửa mặn triệt để, bơm xả nước nhiều lần và chuẩn bị giữ nước ngọt để cấy lúa”.
Nhiều nông dân sản xuất lúa trên đất nuôi tôm lo nhất là yếu tố thời tiết. Nếu vào mùa mưa nhưng có các đợt hạn cục bộ kéo dài hoặc mưa dứt sớm thì không có nước ngọt bổ sung vào đồng ruộng; trong khi độ mặn tăng cao và kết hợp với xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng thì xem như vụ lúa… trắng tay. Những năm gần đây, nhiều nơi ở vùng ven biển ĐBSCL khi trồng lúa trên đất nuôi tôm không được thuận lợi. Vì vậy, có địa phương đã giảm mạnh mô hình này. Cụ thể, tỉnh Cà Mau quy hoạch giai đoạn 2001 - 2010 sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm lên đến 90.000ha. Tuy nhiên, sang giai đoạn 2011-2020, tỉnh này đã điều chỉnh còn 45.000ha (giảm 50% diện tích). Nguyên nhân vì một số vùng như huyện Đầm Dơi, Cái Nước… không còn phù hợp sản xuất lúa trên đất nuôi tôm, bởi hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo...
Tìm hướng phát triển bền vững
Ông Trần Thanh Hoàng, Trưởng phòng Kỹ thuật Sở NN - PTNT tỉnh Cà Mau cho rằng, mô hình sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm được các nhà khoa học đánh giá sẽ mang tính bền vững vì lúa và tôm bổ sung qua lại cho nhau. Cụ thể, trong quá trình cải tạo đất từ mặn sang ngọt để trồng lúa, nhiều mầm bệnh gây hại cho tôm sẽ không phát triển được; các chất thải của tôm sẽ được bộ rễ cây lúa hấp thụ. Ngược lại, sau khi thu hoạch lúa, thân và rễ lúa phân hủy làm thức ăn cho tôm. Dù hiệu quả được thể hiện ở nhiều mặt, nhưng mô hình lúa - tôm cũng tồn tại các yếu tố chưa bền vững như lệ thuộc vào thời tiết, biến đổi khí hậu, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu…
Ngoài ra, khi sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm cũng thường xảy ra hiện tượng lúa bị “ngộ độc mặn”. Xung quanh vấn đề này, ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, khuyến cáo: “Cần tận dụng nguồn nước mưa, nước ngọt dưới kênh rạch để rửa mặn triệt để trước khi gieo cấy. Tùy địa hình mà sử dụng cơ cấu giống hợp lý. Đối với những vùng trũng, không canh tác được giống lúa ngắn ngày, thì sử dụng các loại giống lúa trung mùa hoặc đặc sản địa phương phù hợp với vùng sinh thái từng nơi”.
Nhằm tìm ra giải pháp phát triển bền vững, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cà Mau đã tiến hành giám định và đưa ra khẳng định: Mô hình sản xuất lúa trên đất nuôi tôm là mô hình cơ bản ổn định, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội… Và kiến nghị các ngành chức năng cần phân tích, làm rõ cơ sở khoa học của việc sản xuất lúa trên đất nuôi tôm ở từng vùng cụ thể, từ đó có sự điều chỉnh quy hoạch phù hợp, nhất là quy hoạch hệ thống thủy lợi. Cần xây dựng quy trình chuẩn về sản xuất luân canh lúa - tôm, gắn với tăng cường tập huấn kỹ thuật cho nông dân; đẩy mạnh nghiên cứu giống lúa chịu mặn, phèn