Bắt đầu tìm trùn.
Họ tìm đến những vùng nước sâu gần 1m để bắt trùn. Anh Trần Xuân Hảo (24 tuổi, Tam Tiến) lấy chiếc cọc cắm xuống chắc chắn rồi neo ghe. Nơi đây dưới đáy sông có cát và bùn tập trung nhiều trùn nước sinh sống. Chiếc ghe cố định, nhóm có bốn người bắt đầu nổ máy. Chân vịt ghe quay tít tạo lực đẩy nước làm xói bùn cát dưới đáy sông khiến trùn lộ ra.
Thả vợt xuống nước hứng trùn.
Họ đặt chiếc vợt xuống hứng trùn, còn bùn đất bị đẩy ra ngoài. Khoảng 5 phút, những người thợ đưa vợt lên khỏi mặt nước, trùn nằm phía dưới cùng vỏ ốc, sò, phi, nghêu, đưa vào rổ rửa sạch, sau đó phân loại rồi cho lên ghe. Chiếc ghe di chuyển thành vòng tròn quanh cây cọc, khai thác xong khu vực này thì chuyển đến nơi khác. Công việc tiếp tục cho đến khi nước lên thì kết thúc.
Anh Trần Văn Thọ bắt được một con trùn cho vào rổ.
Mỗi ngày làm việc từ 3 đến 6 giờ, nhóm anh Hảo bắt được từ 10 đến 40kg trùn nước. Trùn được thương lái thu mua giá 120.000 đồng/kg. Có loại nguyên con thì 3kg phơi 2 ngày nắng cho 1kg khô; có loại phải lộn ruột ra, rửa sạch, 10kg tươi được 1kg khô. Trùn nước khô thường xuất sang Trung Quốc là chủ yếu.
Trùn nước được thương lái thu mua 120.000 đồng/kg.
Các ngư dân cho biết, nghề bắt trùn nước phụ thuộc vào thủy triều, mỗi tháng chỉ làm được 15 ngày khi nước cạn, còn nước lớn thì tạm nghỉ. Bắt trùn là nghề vất vả vì phải ngâm mình trong nước nhiều giờ đồng hồ, đòi hỏi phải có sức khỏe. Đôi tay cầm sào tre của họ chai sạn, làn da nhăn nhúm…