Làng biển Hải Triều (Hải Hậu, Nam Định) chiều cuối năm vắng lặng. Không khí lạnh tràn về, mặt biển như sôi lên. Hàng chục chiếc bè cũ nằm chỏng chơ, khắc khoải...
Bất chấp cái lạnh như cứa vào da thịt, gần chục người đang đánh vật với những cây tre lớn trên bãi cát. Một người đàn ông đen đúa, lam lũ giải thích: Mấy hôm nay biển động, ít tôm cá nên chúng em không ra khơi. Tranh thủ lúc nhàn rỗi, mấy anh em trong xóm hùn tiền mua tre về đóng bè bán lại cho người ta để có đồng ra, đồng vào. Người đàn ông ấy là anh Nguyễn Văn Khánh (45 tuổi, trú xóm Tây Tiến, xã Hải Triều) có thâm niên đi bè đánh cá hơn 30 năm.
Anh Khánh kể: Nghề này không cần nhiều vốn, chỉ cần kinh nghiệm nên phù hợp với dân nghèo quê tôi. Từ hồi còn bé, tôi đã thấy bà con giong bè ra khơi. Người xưa dùng dây rừng để buộc, bè mảng chỉ có buồm, không gắn động cơ như bây giờ nên di chuyển chậm, xoay chuyển rất khó khăn. Mỗi chuyến ra khơi là đối mặt với hiểm nguy…
Ngư dân Hải Triều (Hải Hậu, Nam Định) đóng bè vươn khơi. Ảnh: LT
Bè mảng bây giờ hiện đại hơn. Mỗi chiếc rộng khoảng 2m, dài trên 7m, phía trước uốn cong thành lườn để “cắt” sóng khi di chuyển trên biển. Anh Nguyễn Văn Chiến (47 tuổi, ngụ xóm Tây Tiến) cho biết để có một chiếc bè tốt, bền, các ngư dân chọn cây buông (một loại tre thân lớn, rỗng ruột ở tỉnh Hòa Bình) thật già, thẳng đều, ít tì vết, rồi dùng dao thật sắc gọt lớp vỏ, hơ từng cây trên lửa và uốn cong một đầu để tạo lườn.
Sau khi các công đoạn “sơ chế” hoàn tất, ngư dân dùng loại cước lớn đường kính từ 2,5 đến 3 mm ghép các cây lại với nhau. Loại cước này rất bền, chặt. Mỗi chiếc bè cần ít nhất 20 cây buông và khoảng 12 kg gam cước. Muốn bè vững chãi hơn trước phong ba, các ngư dân ghép 3-4 cây buông mỗi bên để làm mạn. Nhiều chiếc bè tải trọng được nâng lên tới gần 3 tấn nhờ ghép thêm một lớp mút xốp dày ở dưới. Bè gắn động cơ 24 mã lực, tốc độ có thể đạt từ 3- 4 hải lý/giờ.
“Năm người làm cật lực mất hơn một tuần mới xong. Cả ngư cụ, lưới, động cơ, mỗi bè đóng mới trị giá khoảng 80 triệu đồng. Một người kham không nổi thì hai ba người góp lại rồi cùng bám biển mưu sinh. Hơn nữa, đi biển, mỗi bè cần ít nhất hai người mới xoay xở được” - anh Chiến cho biết.
Theo anh Khánh, mỗi chuyến ra khơi, 3 - 4 bè đi thành từng nhóm, sẵn sàng giúp nhau mỗi khi gặp khó khăn, bất trắc trên biển. Nghèo về tiền bạc nhưng ngư dân ở làng biển này giàu ở tấm lòng. Một bè phát hiện luồng cá hay tìm ra khu vực có nhiều tôm, ghẹ, tép moi, cả nhóm cùng được hưởng lộc biển. Chuyện giấu tọa độ khai thác riêng lẻ hầu như chưa xảy ra.
Để đảm bảo an toàn, các bè chỉ hoạt động cach bờ khoảng 20 hải lý và đi về trong ngày. Chi phí mỗi chuyến ra khơi chỉ tốn khoảng 200.000 đồng. Người này gặp khó khăn, người kia ứng ra, sản vật kiếm được chia đều.
Có đận hết tôm cá, ngư dân giong bè cả tuần trên biển, sang tận Cô Tô, Bạch Long Vỹ… gánh mưu sinh càng trĩu nặng hơn. Một số ngư dân ngậm ngùi cho biết nghề biển đã vất vả, đi bè càng vất vả gấp bội. Bè chở nặng, nửa chìm, nửa nổi, nước ngập lấp xấp, không còn chỗ nào khô ráo. Thỉnh thoảng, những con sóng lớn ập đến trùm lên tất cả. Thường xuyên dầm nước, không ít người bị bệnh ngoài da, xương khớp…
Nhưng đáng sợ nhất là lúc biển nổi giận, bè chưa kịp vào. Nhiều ngư dân cho biết tuy mỏng manh nhưng nhờ đóng bằng tre, lại có lớp mút xốp nên bè dù có bị sóng đánh lật cũng không chìm như tàu thuyền. Mối lo lớn nhất chính là những con sóng bạc đầu lớn như quả núi dồn dập cuốn phăng mọi thứ trên bè xuống biển sâu.
“Khi vào gần bờ gặp sóng lớn, người điều khiển chủ quan hoặc không có kinh nghiệm bè sẽ bị cuốn vào luồng sóng rất nguy hiểm. Sóng quăng, quật có thể gây thương tích cho ngư dân và làm hư bỏng bè, ngư cụ. Nghề này cực và nguy hiểm trăm bề nhưng làm quen rồi, không dứt ra được. Nó như cái nghiệp của mình, giống như những người thích leo núi dù biết hiểm nguy chực chờ vẫn muốn chinh phục bằng được những đỉnh núi cao. Những ngày không ra khơi lại thấy bứt rứt, hụt hẫng vì nhớ biển” - anh Chiến tâm sự.
Anh Nguyễn Văn Chiến nhớ lại: Tôi từng đương đầu với gió cấp 7 khi bè còn lênh đênh ngoài khơi. Hai anh em bị sóng đánh văng xuống biển mấy lần, uống no nước, may mà còn đủ sức bám vào bè. Chúng tôi phải lấy dây cước cột mình vào bè để phòng đuối sức, không bị cuốn trôi mất tích. May mà tai qua, nạn khỏi.