Được sự hỗ trợ kinh phí của Dự án AMD Bến Tre, tháng 10-2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai thực hiện thí điểm 3 mô hình trình diễn nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh tại 3 xã An Đức, An Hiệp và An Ngãi Tây (Ba Tri). Mỗi mô hình được thực hiện trên diện tích ao nuôi 3.000m2 mặt nước. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí con giống, 30% chi phí thức ăn và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi. Quy trình kỹ thuật nuôi áp dụng trong mô hình: mật độ nuôi 10 con/m2, tôm giống do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cung cấp; về cách thức cho ăn, trong hai tháng đầu cho ăn 3 lần/ngày, sau đó giảm lại 2 lần/ngày. Trong quá trình nuôi tôm càng xanh toàn đực, khâu bẻ càng cần được thực hiện đúng cách và đúng thời điểm, từ khi bắt đầu thả giống đến khi thu hoạch cần được bẻ càng ít nhất 3 lần. Việc bẻ càng giúp cho tôm tăng trọng nhanh, giảm tỷ lệ hao hụt.
Qua hơn 6 tháng nuôi, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, bình quân mỗi mô hình thu lãi từ 20 - 30 triệu đồng. Anh Phạm Hữu Nghĩa, ấp Giồng Chuối, xã An Đức cho biết: “Với diện tích 3.000m2 mặt nước, tôi thả 24 ngàn con tôm giống. Con tôm càng xanh rất dễ nuôi, khỏe mạnh và không bị dịch bệnh. Đến mùa thu hoạch, tôi bán được trên 80 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lãi trên 25 triệu đồng.
Theo ông Châu Hữu Trị - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, 3 mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh thực hiện tại huyện Ba Tri rất hiệu quả, bình quân mỗi mô hình lãi 44% so với tổng vốn đầu tư. Tôm càng xanh toàn đực có thể sống, sinh trưởng tốt trong nguồn nước có độ mặn từ 4 - 6%o, do đó đây là đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện xâm nhập mặn như hiện nay, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững cho người nông dân. Mô hình nuôi này không sử dụng thuốc và hóa chất như nuôi tôm biển, nên không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của các loài thủy hải sản khác.