Tỉnh Bến Tre đang triển khai nhiều giải pháp phát triển ngành tôm, với mục tiêu đưa ngành này trở thành ngành công nghiệp sản xuất mũi nhọn, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh, Bến Tre đặt mục tiêu phát triển 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao tại các vùng sản xuất trọng điểm trên địa bàn tỉnh vào năm 2025. Năm 2021, tỉnh xây dựng kế hoạch hỗ trợ và khuyến khích các hộ dân phát triển ít nhất 500 ha nuôi tôm công nghệ cao, và thực hiện tốt quy định quản lý hoạt động nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Bến Tre rà soát quy hoạch và xây dựng các vùng nuôi theo hướng công nghệ cao; đồng thời tập trung phát triển nhanh, mạnh đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng có thị trường tốt; nhân rộng và phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, nuôi hai giai đoạn để nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, thời gian tới, Bến Tre triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ chế, chính sách đến đầu tư hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư nuôi tôm công nghệ cao và đầu tư nhà máy chế biến tôm…
Cụ thể, tỉnh Bến Tre phát triển các mô hình hợp tác, liên kết các hộ nuôi, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lại thành tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn; tập trung làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian.
Tỉnh chuyển đổi một số vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả thành vùng nuôi thủy sản chuyên canh, phù hợp với quy hoạch, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Đồng thời, ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kênh cấp, thoát đối với các vùng nuôi tôm tập trung, vùng nuôi tôm công nghệ cao tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho hay, giai đoạn 2020-2025, huyện Bình Đại có kế hoạch phát triển khoảng 2.000 ha nuôi tôm công nghệ cao, chiếm 50% diện tích của tỉnh. Đây là con số rất lớn cần có sự đồng bộ về giống, kỹ thuật, hạ tầng và các giải pháp quản lý môi trường vùng nuôi. Huyện kiến nghị ngành nông nghiệp tỉnh có giải pháp thống nhất để tránh xung đột sản xuất với các ngành khác khi phát triển mạnh mô hình nuôi tôm công nghệ cao.
Hiện nay, tôm nước lợ là một trong 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Bến Tre đang thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị. Sau gần 4 năm triển khai, đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan vận động thành lập 3 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác, thu hút 218 hộ tham gia với tổng diện tích nuôi tôm hơn 234 ha.
Tỉnh Bến Tre hiện có diện tích nuôi tôm biển khoảng 35.000 ha, cho sản lượng hơn 50.000 tấn/năm. Nghề nuôi tôm ở Bến Tre phát triển mạnh và khá lâu, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Việc cải tiến kỹ thuật nuôi tôm thâm canh đã góp phần tăng sản lượng hàng hóa lớn và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của tỉnh.
Thời gian qua, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả 3 vùng sinh thái; trong đó, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh có hiệu quả nên được nông dân đầu tư nuôi 2 vụ/năm.
Đáng chú ý, hình thức nuôi tôm chân trắng hai giai đoạn (nuôi tôm công nghệ cao) đang có chiều hướng phát triển tốt và diện tích nuôi tăng qua các năm. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 1.640 ha nuôi tôm chân trắng hai giai đoạn, tăng hơn gấp đôi so với năm trước, sản lượng 29.000 tấn/năm. Với hình thức nuôi này, bước đầu kiểm soát tốt môi trường nuôi, hạn chế dịch bệnh xảy ra, mang lại hiệu quả cao cho người nuôi.