Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết, từ đầu năm đến giữa tháng 2/2017, toàn tỉnh đã thả nuôi 1.100ha với 446,3 triệu tôm giống (trong đó 922ha tôm thẻ chân trắng (TTCT) và 177ha tôm sú), đạt 2,4% kế hoạch, bằng 62,3% so với cùng kỳ 2016. Tuy nhiên trong tháng 1, thị xã Vĩnh Châu có 88ha tôm của 106 hộ dân bị thiệt hại.
Vùng ven biển tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 8.000 hộ thả nuôi gần 665 triệu con tôm sú giống trên diện tích gần 10.400ha và trên 2.800 hộ thả nuôi hơn 635 triệu con giống TTCT trên diện tích hơn 1.160ha. Đến nay Trà Vinh đã bị thiệt hại hơn 790ha tôm nuôi, trong đó có 262ha tôm sú và 200ha TTCT. Tỉnh đã khuyến cáo chậm thả tôm nuôi cho đến hết tháng 2.
Trước đó, tham khảo nguồn tin các địa phương vùng bán đảo Cà Mau, tình hình dịch bệnh tôm từ tháng 12/2016 bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp là tác nhân chính gây thiệt hại trên tôm nuôi. Trong đó, bệnh đốm trắng xảy ra ở các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau với tổng diện tích thiệt hại gần 200ha, cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2015. Bệnh hoại tử gan tụy cấp thiệt hại gần 240ha, cao gấp 2,49 lần so cùng kỳ năm 2015.
Chi cục Thú y Sóc Trăng khuyến cáo người nuôi tôm cần quan tâm đặc biệt đến bệnh đốm trắng, nếu vùng nuôi đang xảy ra dịch bệnh thì ngưng thả mới, khi dịch bệnh ổn định mới xử lý nước, diệt khuẩn, giáp xác thật kỹ để tiếp tục thả nuôi.
Đối với ao nuôi tôm chuẩn bị thả giống cần phơi khô, cải tạo ao kỹ; nước đưa vào ao lắng ao nuôi phải diệt triệt để giáp xác (cua còng, tôm tự nhiên…), chọn tôm giống tại các cơ sở có uy tín và xét nghiệm bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp… trước khi thả nuôi; thả với mật độ phù hợp với khả năng đầu tư và quản lý của nông hộ.
Đối với các ao tại các vùng nuôi gần các kênh cấp có kết quả xét nghiệm dương tính, không nên lấy nước trực tiếp vào nuôi. Nước cấp vào nuôi phải qua hệ thống ao lắng (ao cá rô phi) và xử lý triệt để giáp xác trước khi cấp vào ao nuôi. Cách ly mầm bệnh xâm nhập vào khu nuôi (rào lưới xung quanh ao, lưới ngăn chim). Thường xuyên kiểm tra chăm sóc quản lý điều kiện môi trường ao nuôi, duy trì mật độ tảo, quản lý thức ăn, tăng cường bổ sung khoáng chất, bổ sung vitamin C.
Đối với tôm nuôi đang bị thiệt hại do bệnh đốm trắng, trong trường hợp tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm mà bị bệnh cần tiến hành thu hoạch ngay. Trong quá trình thu hoạch không để mầm bệnh khuyếch tán qua những ao xung quanh (nước ao nuôi sau khi thu hoạch phải được khử trùng bằng Chlorine (30kg/1.000m3), phương tiện vận chuyển phải kín và vệ sinh, khử trùng trước khi rời khỏi cơ sở nuôi và từ cơ sở chế biến trở về để hạn chế lây lan mầm bệnh ra xung quanh.
Đối với tôm nhỏ không thể sử dụng để làm thực phẩm thì dùng quá chất Chlorine 30kg/1.000m3) để xử lý, đóng cống hai tuần mới xả ra môi trường bên ngoài. Kết hợp thả nuôi cá rô phi trong ao lắng (trên 5 con/m2) để xử lý môi trường và cải tạo lại ao nuôi. Khi dịch bệnh trong vùng và điều kiện môi trường ổn định mới thả tôm nuôi lại, không xả nước thải tôm bị bệnh chưa qua xử lý ra kênh rạch gây ô nhiễm môi trường.
Giải pháp giảm tỷ lệ nhiễm bệnh đốm trắng cần có ao lắng, lọc để xử lý nước kỹ trước khi cấp vào ao nuôi, không nên thay nước trực tiếp từ bên ngoài. Xét nghiệm giống bằng phương pháp PCR đối với các bệnh nguy hiểm trên tôm (đốm trắng, gan tụy cấp, hoại tuỷ dưới vỏ và cơ quan tạo máu) trước khi thả nuôi. Rào lưới xung quanh ao ngăn chặn sự xâm nhập của các vật chủ trung gian mang mầm bệnh (cua, còng) vào ao nuôi.
Duy trì các yếu tố môi trường trong ao nuôi ở mức thích hợp và ổn định (pH, độ kềm, độ mặn, nhiệt độ...) để tránh sốc cho tôm. Người nuôi cần thường xuyên theo giỏi các bản tin thời tiết cảnh báo dịch bệnh trên báo, đài để chủ động kế hoạch sản xuất.
Theo Chi cục Thú y Sóc Trăng, trong tuần cuối tháng 1/2017 kết quả quan trắc và cảnh báo môi trường dịch bệnh vùng nuôi thủy sản vùng nuôi tôm nước lợ tại 16 điểm nguồn nước cấp thuộc các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu cho thấy nguy cơ dịch bệnh đốm trắng đang hiện diện ở mức rất cao, có 15/16 mẫu tôm tự nhiên cho kết quả dương tính với bệnh đốm trắng. Cơ quan này cho rằng vào thời điểm biên độ nhiệt ngày và đêm chênh lệch lớn là điều kiện thuận lợi cho bệnh đốm trắng bùng phát.