UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Công ty TNHH MTV Quốc Anh (tổ 4, ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) do ông Nguyễn Văn Duyên làm giám đốc với tổng số tiền trên 720 triệu đồng.
Đào luôn cả bờ bao công trình thủy lợi
Vào tháng 10.2015, sau khi tiếp nhận hàng loạt ý kiến phản ánh của cử tri xã Thái Bình (huyện Châu Thành), Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh tiến hành kiểm tra và phát hiện Công ty TNHH MTV Quốc Anh hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản có nhiều vi phạm.
Cụ thể, doanh nghiệp này được UBND tỉnh Tây Ninh cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trên diện tích 34.000 m2 trong thời hạn từ tháng 11.2010 đến 11.2014 ở độ sâu tối đa 6 m tại khu vực ấp Bình Long (xã Thái Bình) nhưng đã tự ý lập hợp đồng kinh tế chuyển nhượng tài sản và quyền khai thác cho ông Trần Minh Hiển (ngày 15.2.2011). Qua đo đạc đối với 2 vị trí được phép khai thác cho thấy ao thứ nhất được khai thác vượt độ sâu cho phép gần 1,3 m; ao thứ 2 vượt gần 1,2 m và khai thác vượt ra ngoài diện tích cho phép (tiếp giáp kênh TN17) 463 m2 với độ sâu 1,2 m.
Trước đó, vào ngày 25.4.2014, UBND xã Thái Bình có văn bản gửi về UBND huyện Châu Thành báo cáo hàng loạt vi phạm trong hoạt động khai thác như không gắn biển báo, chừa dốc ta-luy không đúng, khai thác vượt độ sâu cho phép, khoảng cách với bờ bao giáp kênh thủy lợi TN17 theo thiết kế 10 m nhưng bị đào ra chỉ còn 5 m.
Trước những vi phạm này, theo đại diện UBND tỉnh Tây Ninh ngoài mức phạt 120 triệu đồng, công ty còn phải nộp trên 600 triệu đồng (lợi nhuận thu được do khai thác lượng đất khai thác vượt mức cho phép).
Dự án “đào áo nuôi cá” mà không thấy cá
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh), từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 16 tổ chức, cá nhân xin thực hiện dự án đào ao để nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng trên thực tế có đến 10/16 tổ chức, cá nhân đào đất đem bán, khi kiểm tra chẳng thấy nuôi cá.
Theo chi cục, thông thường một dự án đào ao để nuôi cá chỉ ở độ sâu khoảng 2,5 - 3 m nhưng nhiều dự án đào ao nuôi cá khi phát hiện đã đào đến 9 - 10 m. Nhiều ao bị móc đất bán để lại những hố sâu thẳm, đầy hiểm họa cho những người dân sinh sống xung quanh…
Một cán bộ Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh thừa nhận: “Việc đào ao bị hạn chế ở độ sâu 2,5 - 3 m và đất dôi dư chỉ để phục vụ cho công trình công cộng, không được phép bán ra ngoài. Tuy nhiên, có ao được khai thác với độ sâu 10 m, trữ lượng nhiều hơn và có thể họ đã bán ra ngoài cho các công trình dùng vật liệu để san lấp mặt bằng”.