Đây là mô hình đáng được bà con nông dân quan tâm học hỏi kinh nghiệm để có hướng chăn nuôi thích hợp làm giàu trên chính mãnh đất thân yêu của mình, như ông bà ta xưa nay vẫn nói ”Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”.
Những ngày này, ao nuôi cá của ông Nguyễn Văn Tào (Tư Tào) bổng vui hẳn lên. Tiếng nói, tiếng cười của những người kéo cá, cân cá vang lên khắp xóm khu vực ấp Tây An, phường Mỹ Thới, Thành Phố Long Xuyên. Câu chuyện trúng mùa cá của anh Tư Tào trở thành thời sự để họ bàn bạc tiếp về chuyện giúp nhau nuôi con cá lóc đạt hiệu quả cao trong mùa vụ tới.
Vốn là nông dân nòi với nghề làm rẫy, ruộng lâu năm. Thế nhưng do trồng hoa màu không lợi nhuận, vườn rau có năm bị thất mùa đã làm cho nguồn kinh tế gia đình anh dường như bị kiệt quệ. Năm 2006 thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, anh Tư Tào có một định hướng mới trong việc làm ăn kinh tế. Đó là đào ao thả nuôi cá lóc.
hờ chịu khó học tập kinh nghiệm cộng với tính cần cù siêng năng trong những năm đầu, mô hình nuôi cá lóc trong hầm của anh có chuyển biến thuận lợi. Với 2000 m2 ao nuôi, mỗi mùa anh thả nuôi khoảng 60.000 cá con, thức ăn chủ yếu là cá biển. Trong 6 tháng chăm sóc cá lóc có sức tăng trưởng mạnh, mỗi con lớn nhất cân nặng từ 2 kg đến 3 kg. Theo anh Tào, cá lóc là loại rất dễ nuôi, giá cao, tỷ lệ hao hụt thấp mà rũi ro có thể giải quyết được. Muốn nuôi cá lóc hiệu quả điều quan trọng là phải xử lý ao nuôi thật kỷ, bơm nước cho sạch trước khi thả cá giống, chọn mua giống có nguồn gốc rõ ràng. Trong giai đoạn đầu nên nuôi cá trong vèo ở hầm nhỏ, 20 ngày sau đó lựa cá có khả năng phát triển thả vào ao chính để nuôi, thế là đạt chất lượng. 2 tháng đầu phải cho ăn dư mồi, đều cá, từ đó con cá mới có sức, tăng trọng nhanh, thịt chắc mà không hôi rong.
Thành công từ việc nuôi cá của anh Tư Tào bắt đầu vào năm 2009 do tình hình dịch cúm gia cầm nên con cá lóc lên ngôi, giá cao đạt đỉnh điểm là 51.000 đồng/ kg, sản lượng cá thu hoạch đáng kể, trong một mùa vụ nuôi anh có lãi từ 300 đến 350 triệu đồng. Cũng chính năm này anh trở thành đại gia trong nghề nuôi cá lóc ở phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên.
Ông Nguyễn Văn Rắc, Chủ tịch Hội nông dân phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên nhận xét: Tư Tào là một trong những hộ tiên phong nuôi cá lóc có hiệu quả nhất phường Mỹ Thới. Do có vốn đầu tư cộng với nắm vững kỹ thuật chăn nuôi nên việc nuôi cá lóc của Tư Tào có phần vượt trội hơn người khác. Sắp tới, Hội nông dân sẽ lấy mô hình chăn nuôi cá lóc của anh Nguyễn Văn Tào làm thí điểm để phát động rộng rãi trong toàn phường, mặt khác ngân hàng cần hỗ trợ vốn kịp thời cho nông dân để họ đầu tư đúng mức mở rộng chăn nuôi cá lóc thành phong trào sâu rộng hơn nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Theo số liệu thống kê, toàn phường Mỹ Thới có trên dưới 10 hộ nuôi cá lóc, hầu hết đều chăn nuôi có hiệu quả, cá lóc ít bệnh, sản lượng thu hoạch rất cao, tuy nhiên giá cả hiện nay còn tuỳ thuộc vào thị trường, lúc trồi lúc sụt gây ảnh hưởng rất lớn cho người chăn nuôi. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp An Giang, để nuôi cá lóc có hiệu quả kinh tế cao, nông dân cần có nguồn vốn đầu tư, nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi, xử lý dịch bệnh triệt để theo khuyến cáo của ngành, mà tốt nhất là nuôi trái vụ, người nuôi phải định hướng được cung và cầu, tìm hiểu kỷ thị trường tiêu thụ. Có như vậy tình hình chăn nuôi cá lóc mới có bước phát triển, góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Mô hình chăn nuôi cá lóc của anh Nguyễn Văn Tào tuy không phải là mới nhưng dù sao đi nữa, anh cũng là một nông dân đi đầu trong lĩnh vực chăn nuôi cá lóc rất hiệu quả ở một vùng nông thôn ven đô Thành phố Long Xuyên. Đây là mô hình đáng được bà con nông dân quan tâm học hỏi kinh nghiệm để có hướng chăn nuôi thích hợp làm giàu trên chính mãnh đất thân yêu của mình như ông bà ta xưa nay vẫn nói ”Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”.