Anh Nhật Phong, sinh năm 1993, quê ở Phù Cát là hướng dẫn viên du lịch của Quy Nhơn tourist, vào lúc 11h40 ngày 20.7, trong lúc đưa khách từ khu vực biển Kỳ Co về Bãi Dứa, Nhơn Lý để lặn ngắm san hô, thì phát hiện một con cá lớn có chiều dài khoảng 4m, cách khu vực bãi Dứa xã Nhơn Lý khoảng 100m. Du khách trên ca no rất thích thú, khi trông thấy cá khổng lồ, đặc biệt cá không sợ người và còn tiến lại chơi với mọi người. Anh Nhật Phong chia sẻ.
Theo chuyên gia Vũ Long, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học (CBES) xác nhận đây là Cá nhám voi Rhincodon typus là loài cá mập lớn thuộc họ Rhincodontidae, bộ Orectolobiformes, lớp cá sụn. Loài cá hiền lành chuyên ăn lọc, chỉ ăn sinh vật phù du và các loài cá nhỏ. Loài này thường phân bố ở các vùng biển nhiệt đới, ít khi xuất hiện ở các vùng biển lạnh hơn 20oC.
Loài cá này, da sờ nhám nhám do phủ một lớp vảy hiển vi cứng, nên gọi là cá nhám. Chúng không có mang kín, mà thở qua một dãi mấy khe mang hở. Vì có kích thước lớn nên gọi là cá nhám voi. Chúng sống ở cả các vùng nước sâu và vùng nước nông. Do sinh trưởng chậm, đã từng bị săn bắt tràn lan trong quá khứ, Cá nhám voi được các tổ chức quốc tế như IUCN đánh giá là có nguy cơ tuyệt chủng cao (IUCN 2016 xếp hạng loài này cấp Endangered – Nguy Cấp) và đặc biệt quan tâm nghiên cứu, bảo vệ.
Tại Việt Nam, loài Cá Nhám Voi là loài được pháp luật bảo vệ. Loài này nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2008 (Cấp Nguy cấp - EN) và trong “Danh mục các loài thuỷ sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển”. Việc Cá Nhám Voi hiếm gặp xuất hiện tại Bãi Dứa, Nhơn Lý, có thể liên quan đến các dòng hải lưu mang nhiều sinh vật phù du đến vùng biển này.
Chi cục Thủy sản Bình Định cùng các nhà khoa học đang phối hợp nghiên cứu, theo dõi để có thể bảo vệ cá thể Cá Nhám Voi nói riêng và đa dạng sinh học vùng biển Bình Định nói chung.
Trước đó vào đầu tháng 7, hai con cá voi một lớn, một bé cũng xuất hiện săn mồi tại vùng biển Đề Gi, Vũng Bồi, huyện Phù Cát.