Phát huy vai trò cộng đồng
Tỉnh Bình Định có chiều dài bờ biển 134 km cùng với vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn. Trong vùng nội thủy có 03 đầm lớn là Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ với tổng diện tích gần 8.000 ha là điều kiện tự nhiên thuận lợi cho các loài thủy sản sinh trưởng và phát triển với nhiều chủng loại phong phú, đa dạng. Đặc biệt khu vực biển Vịnh Quy Nhơn bao gồm 04 xã, phường: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng với tổng diện tích khoảng 36.357 ha.
Là khu vực mang tính chất đặc trưng của hệ sinh thái vùng ven biển, có hệ sinh thái rạn san hô ven bờ thể hiện đặc trưng về đa dạng sinh học cao là nơi cư ngụ của các loài đặc hữu như: tôm hùm giống, rùa biển, rong mơ,...đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sinh kế của cộng đồng ngư dân và phát triển du lịch biển của thành phố Quy Nhơn.
Nhằm khuyến khích và nâng cao nghĩa vụ, trách nhiệm của cộng đồng ngư dân trong việc khai thác và sử dụng nguồn lợi thủy sản, thực hiện tốt việc quản lý vùng nước và nguồn lợi thủy sản thuộc địa phương, từ 2007 ngành thuỷ sản Bình Định đã triển khai thực hiện phương thức đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ với nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án.
Tính đến 31/12/2018, có 11 mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản của 20 xã/phường ven biển, ven đầm, trong đó có 03 mô hình lớn: mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ; mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu vực Bắc Đầm Thị Nại; mô hình cộng đồng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu vực biển vịnh Quy Nhơn.
Kể từ khi Luật Thủy sản 2017 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, Bình Định tiếp tục rà soát và củng cố kiện toàn các mô hình đồng quản lý đã có theo qui định của Luật. Đến nay, Bình Định có 04 tổ chức cộng đồng (TCCĐ) bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng đã được UBND thành phố Quy Nhơn công nhận và giao quyền quản lý khu vực biển có diện tích xác định theo Luật Thủy sản 2017 với tổng diện tích giao quyền quản lý thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản là 46,134 ha và có 220 thành viên tham gia.
Những kết quả đạt được
Sau khi được thành lập, các tổ chức cộng đồng đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động và đã đạt được một số kết quả tích cực.
Cộng đồng ngư dân đã có chuyển biến nhận thức, chấp hành tốt các quy định pháp luật, Quy ước, quy chế của địa phương; tích cực tham gia cùng với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, phối hợp chặt chẽ trong việc phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm. Ông Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng Ban đại diện TCCĐ xã Nhơn Hải cho biết trong năm 2021, TCCĐ bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải đã di dời và bảo 5 ổ trứng rùa biển (thuộc loài Vích) với 476 quả trứng, trong đó 3/5 ổ rùa đã nở với tỉ lệ nở thành công đạt 54%.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, sau thời gian khoanh vùng bảo vệ, tại các khu vực biển được giao cho các TCCĐ quản lý, hệ sinh thái rạn san hô bước đầu được phục hồi, một số khu vực duy trì độ phủ san hô ở mức độ tốt, cụ thể số liệu năm 2022: tại Bãi Dứa có độ phủ san hô đạt 62.5%, trong đó san hô mềm 19.4% ; ở Hòn Khô Nhỏ đạt 36.8%; ở Hòn Nhàn- Ghềnh Ráng (30%) và ở Bãi Trước - Nhơn Châu (23,1%).
Phát triển sinh kế bền vững qua mô hình cộng đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở 2 địa phương xã Nhơn Lý và Nhơn Hải. Có khoảng 210 lao động bao gồm: Cano chuyên chở khách, hướng dẫn trên bè nổi và chở khách bằng thúng đáy kính có nguồn thu nhập ổn định từ việc kinh doanh dịch vụ du lịch gắn với bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô.
Tổ chức cộng đồng đã phối hợp với Chi cục Thủy sản và Chính quyền địa phương rà soát tàu cá để cấp giấy phép khai thác thủy sản theo qui định, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và thợ máy tàu cá theo qui định.
Từ năm 2021 đến nay, các TCCĐ BVNLTS, chính quyền 04 địa phương Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Ghềnh Ráng đã phối hợp cùng Chi cục Thủy sản, lực lượng Biên phòng, Công an, đã triển khai 41 chuyến tuần tra, kiểm soát, đã kiểm tra 161 lượt tàu cá, xử phạt 14 trường hợp/60,4 triệu, hiện tạm giữ 03 tàu cá vỏ gỗ, tịch thu tang vật gồm: tịch thu 04 bộ lưới cước, 05 bình acquy 12V, 05 bộ kích điện tự chế, 03 Diamo, 03 dây điện dài 10m, 4 gọng gỗ.
Cộng đồng xã Nhơn Châu chung tay dọn rác bảo vệ môi trường các bãi biển . Ảnh : TCCĐ
Thành lập được 04 Quỹ cộng đồng ở địa phương nhằm duy trì sự hoạt động TCCĐ trên cơ sở đóng góp từ cộng đồng, từ các tổ chức, cá nhân, đơn vị…
Bài học kinh nghiệm
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản Bình Định chia sẻ, việc thực hiện công tác đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh Bình Định có nhiều thuận lợi: Tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án GEF, MCD… trong thực hiện công tác bảo tồn tài nguyên biển. Được sự đồng thuận, quan tâm chỉ đạo của toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Vai trò điều phối của Chi cục Thủy sản và huy động sự tham gia của các bên (Phòng kinh tế thành phố, Hiệp hội Thủy sản; Sở Du lịch, BQL khu Kinh tế tỉnh…) là rất cần thiết. Vai trò chủ động của chính quyền và cộng đồng.Tận dụng tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch cộng đồng. Lợi thế đồng thuận trong đồng quản lý, khai thác cùng có lợi, liên kết với các doanh nghiệp hoạt động du lịch.
Tuy nhiên cũng còn gặp phải một số khó khăn thách thức như: Lợi ích sinh kế chưa trở thành động lực phát triển đồng quản lý, đặc biệt đối với cộng đồng ngư dân ( thể hiện rõ ở mô hình đồng quản lý ở xã Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng). Thiếu nguồn tài chính, thiếu cơ chế, chính sách, chế độ tài chính, thiếu chính sách tín dụng. Chưa huy động được các nguồn xã hội hóa. Chưa có Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản cấp tỉnh. Quỹ cộng đồng địa phương nguồn lực rất nhỏ nên các hoạt động của Quỹ cộng đồng bị giới hạn trong khuôn khổ các khoản chi hành chính.
Theo đó, tỉnh Bình Định rất mong muốn Bộ NN&PTNT sớm có chính sách hỗ trợ phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân. Phát triển mục tiêu kép của đồng quản lý là bảo vệ phát triển nguồn lợi và phát triển sinh kế cộng đồng. Xây dựng Quỹ Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản làm cơ sở bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho đồng quản lý.