Ông Phạm Quang Ân, Phó phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Vụ nuôi tôm năm nay, người dân các xã khu Đông của huyện đã thả nuôi trên diện tích 971 ha mặt nước. Trong đó có 90 ha nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) theo phương thức thâm canh - bán thâm canh, 881 ha nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến xen với các đối tượng thủy sản khác. Đến thời điểm này, 80% diện tích nuôi TTCT đã được thu hoạch với năng suất bình quân từ 3,5 - 5 tấn/ha.
Theo đánh giá chung, năm nay, nhờ tuân thủ chặt chẽ các giải pháp kỹ thuật và lịch thời vụ, công tác phòng chống dịch bệnh được chú trọng nên tôm nuôi tiếp tục được mùa. Mặc dù vậy, người nuôi tôm tại các xã khu Đông Tuy Phước không hưởng trọn được niềm vui, bởi giá tôm năm nay giảm mạnh so với các năm trước. Theo khảo sát tại các vùng nuôi tôm ở xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Thắng, hiện giá TTCT loại 100 con/kg chỉ ở mức từ 80.000 - 85.000 đồng/kg; tôm loại 70 con/kg từ 100 - 110 ngàn đồng/kg; giảm 30.000 - 35.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Theo bà con nuôi tôm, đây là mức giá giảm sâu nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Ông Lê Đức Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết: Vụ này trên địa bàn xã có 13 ha nuôi TTCT, tập trung trên địa bàn thôn Nhân Ân và Lộc Hạ. Trong cả vụ, mặc dù dịch bệnh đốm trắng phát sinh gây hại trên diện tích gần 3 ha, nhưng đã kịp bao vây, dập tắt, không để lây lan. Đến nay, người nuôi tôm đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích, năng suất bình quân 4 tấn/ha, bằng vụ nuôi tôm năm ngoái. Thế nhưng giá tôm hạ thấp làm cho bà con mất vui vì hiệu quả nuôi tôm thấp. Hiện vụ nuôi tôm thứ 2 đã bắt đầu nhưng người dân rất cân nhắc để tiếp tục đầu tư cho vụ mới. Xã cũng đã có kiến nghị với huyện và ngành Nông nghiệp tỉnh hỗ trợ 3 tấn hóa chất chlorine, giúp bà con xử lý ao nuôi khi bước vào vụ mới.
Theo ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, với việc giá TTCT giảm mạnh như hiện nay, người nuôi tôm có lãi rất thấp, thậm chí thua lỗ nếu dịch bệnh xảy ra phải thu hoạch sớm. Đặc biệt, đối với những hộ nuôi theo phương thức thâm canh - bán thâm canh, tuy tôm được mùa nhưng hiệu quả đã giảm hơn 30% do chi phí đầu tư lớn, giá thức ăn cho tôm cũng tăng nhiều.
Lý giải về nguyên nhân làm giá tôm giảm mạnh, ông Phạm Quang Ân cho rằng do ảnh hưởng bởi giá tôm thế giới giảm, nhất là khi gần đây một số nước xuất khẩu tôm lớn sang thị trường Mỹ như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… đã giảm giá bán để cạnh tranh. Do vậy, việc thu mua tôm nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu phải giảm giá để cạnh tranh. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là giữa người nuôi tôm và các DN chế biến thủy sản chưa có cam kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nên mỗi khi tôm nuôi được mùa, tình trạng “ép giá” lập tức xảy ra.
Trước tình hình này, Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước đã khuyến cáo người nuôi tôm cần thận trọng trong đầu tư nuôi vụ 2. Theo đó, chỉ nên nuôi theo phương thức thâm canh - bán thâm canh tại các vùng nuôi có đầy đủ hệ thống cấp nước ngọt, xử lý nước thải; trước khi thả tôm nuôi cần tăng cường xử lý ao nuôi, môi trường để tránh dịch bệnh phát sinh. Nhân rộng mô hình nuôi tôm cộng đồng, thân thiện môi trường, nhằm phát hiện, xử lý sớm các ổ dịch bệnh phát sinh. Ngành chức năng cũng chủ động liên hệ, phối hợp với các DN xuất khẩu tôm để thu thập thông tin thị trường, đưa ra các giải pháp cụ thể giúp người dân ổn định sản xuất.