Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), tôm thẻ chân trắng và tôm sú vẫn là đối tượng nuôi chính của người nuôi tôm trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 443,1 ha diện tích nuôi tôm nước lợ; trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 131,1 ha, còn lại là diện tích nuôi tôm sú. Số lượng con giống thả nuôi khoảng 247,77 triệu con.Trong tỉnh có 18 cơ sở, DN sản xuất giống tôm nước lợ. Năm 2018, tổng sản lượng tôm giống sản xuất trong tỉnh ước đạt hơn 6.200 triệu con; trong đó có hơn 6.000 triệu con giống tôm thẻ chân trắng và 150 triệu con giống tôm sú.
Đến thời điểm này, người nuôi tôm đã cải tạo xong ao đìa, chuẩn bị con giống để thả nuôi. Ông Nguyễn Thanh Hải, ở thôn Hội Tân, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn, bộc bạch: “Đến giữa tháng 2 âm lịch tôi sẽ thả nuôi khoảng 50 vạn con giống tôm thẻ chân trắng theo lịch thời vụ. Mấy năm nay, tôi mua con giống của một công ty có uy tín, giống đã qua kiểm định, tỉ lệ nuôi thành công cao, nên nuôi đạt hiệu quả cao lắm!”.
Vùng nuôi tôm Mỹ Trung, thuộc thôn Đông Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước có 23,5 ha/43 hộ nuôi tôm, đến nay, người nuôi tôm đã cải tạo xong ao, hồ, phơi đáy, bón vôi diệt khuẩn... và chuẩn bị thả giống vào giữa tháng 2 âm lịch.
Ông Phan Văn Chạy, một hộ nuôi tôm ở đây, chia sẻ: “Đối với người nuôi tôm, ngoài việc tuân thủ lịch thời vụ, các khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi của ngành chức năng thì chất lượng con giống góp phần rất lớn đến việc thành công hay thất bại của vụ nuôi. Riêng tôi thì chọn mua tôm giống đảm bảo kỹ thuật, chất lượng tốt, sạch bệnh có chứng nhận rõ ràng!”.
Người nuôi tôm đã cải tạo xong ao nuôi, chạy ôxy sục khí ổn môi trường nước để chuẩn bị thả giống.
Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến - Trung tâm dịch vụ giống nông nghiệp Bình Định (Sở NN&PTNT) là một đơn vị tích cực sản xuất giống đảm bảo cung cấp cho người nuôi tôm trong tỉnh. Ông Lê Tấn Phát, Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến, cho biết: “Bình quân mỗi năm, Trạm sản xuất và cung ứng ra thị trường trong tỉnh từ 4 - 5 triệu con tôm giống. Vụ nuôi này, Trạm chủ yếu sản xuất con giống tôm sú. Các quá trình về sản xuất con giống, quản lý tôm mẹ, chăm sóc ấu trùng, thức ăn cho con giống… được thực hiện với quy trình đạt tiêu chuẩn về quản lý, thực hành; sử dụng chế phẩm sinh học ổn định môi trường, nên con giống đạt chất lượng tốt”.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN&PTNT), các DN, cơ sở sản xuất giống, như: Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Bình Định 3, Công ty CP Việt - Úc Bình Định, Trung tâm sản xuất giống thủy sản chấp hành rất tốt các quy định về khai báo, xét nghiệm, kiểm dịch chất lượng tôm giống; quản lý, kinh doanh, vận chuyển giống tôm. Đối với các cơ sở sản xuất tôm giống quy mô nhỏ lẻ, Chi cục cũng đã tăng cường quản lý, khai báo, kiểm dịch. Chi cục cũng khuyến cáo người nuôi tôm phải hết sức thận trọng trong khâu chọn giống và nên chọn giống của các DN, cơ sở sản xuất con giống có uy tín.
Ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản - Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho hay: “Ngay đầu vụ tôm này, Chi cục đã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, các địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống, như: kiểm tra tại cơ sở sản xuất con giống, quy trình xả thải tôm bố mẹ… Sở NN&PTNT cũng đã ban hành lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2019, khuyến cáo người nuôi tôm tuân thủ theo lịch thời vụ về đối tượng nuôi, mật độ nuôi, hình thức nuôi góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả và phát triển nuôi tôm bền vững”.
Tuy Phước đã thả tôm giống hơn 616 ha diện tích
Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước cho biết: Ðến thời điểm này người dân ở 4 xã khu Ðông trên địa bàn huyện đã thả tôm giống được hơn 616 ha diện tích mặt nước, đạt tỉ lệ 63,4 % so với tổng số diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản trong vụ 1 năm 2019 của huyện. Trong đó, có 44,3 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức bán thâm canh, thâm canh và 572 ha nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến.