Sản lượng đánh bắt tăng khá
Năm nay, ngư trường diễn biến khá thuận lợi cho hoạt động đánh bắt hải sản. Riêng trong tháng 9 có chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, số 4, nhưng sản lượng khai thác giảm không đáng kể; tháng 10 ngư trường chịu ảnh hưởng của các đợt bão xa, nhưng ngư dân cũng đã tranh thủ bám biển, tích cực đánh bắt tháng cuối của vụ cá nam.
Vụ cá nam năm nay khai thác khá thuận lợi, hầu hết tàu thuyền của ngư dân ra khơi đều đánh bắt được nhiều hải sản. Các nghề hoạt động hiệu quả là mành đèn tuyến lộng, tuyến lỡ chuyên khai thác cá nục, cá chỉ, cá ngân, cá cơm, cá ngừ. Trong tháng 10 sản lượng khai thác đạt khoảng 19.115 tấn, tăng 5,72% so tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng đạt 157.600 tấn, tăng 7,15% so cùng kỳ năm trước; trong đó cá tăng 8,5%, mực tăng 3,8%.
Có thể nói đây là mức tăng khá cao về sản lượng khai thác. Nếu 2 tháng cuối năm không có gì đột biến thì sản lượng hải sản khai thác sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra của năm 2012 là 172.000 tấn.
Nuôi trồng thất bát do ô nhiễm môi trường
Trong khi tình hình đánh bắt có nhiều thuận lợi thì nuôi trồng thủy sản đang gặp khó, do dịch bệnh trên thủy sản nuôi vẫn tiếp tục phát sinh, nhất là tôm thương phẩm. Nguyên nhân do bất lợi thời tiết, việc xử lý các ổ dịch bệnh cũ chưa triệt để, chất lượng con giống chưa đảm bảo…Nuôi lồng bè nước mặn, nước ngọt tại các địa bàn Tuy Phong, Phú Quý, Tánh Linh, Đức Linh với các đối tượng nuôi chủ yếu là cá bống tượng, tôm hùm, cá giò, cá mú thương phẩm sản lượng và hiệu quả thấp do môi trường bị ô nhiễm. Nuôi cá nước ngọt hầu hết các địa bàn của tỉnh đều theo hình thức bán thâm canh và quảng canh. Năng suất đạt bình quân từ 2,5-3 tấn/ha, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu trong tỉnh.
Đến cuối tháng 9/2012 toàn tỉnh đang thả nuôi 1.400 ha, hiện nay các hộ đang tập trung thu hoạch diện tích thả nuôi ở năm trước. Sản lượng nuôi trồng tháng 10 đạt khoảng 783 tấn. Lũy kế 10 tháng đạt 10.800 tấn, giảm 16,6% so cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng nuôi nước lợ và nước mặn giảm 22%, nước ngọt giảm 5,4%.
Vấn đề đặt ra cho hoạt động nuôi trồng thủy sản hiện nay là phải khống chế cho được dịch bệnh. Vì thế việc nuôi trồng cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật, nhất là việc xử lý vệ sinh môi trường, ao đầm và xử lý nước. Mặt khác phải thực hiện việc khuyến cáo giảm mật độ nuôi; giảm vụ và giãn vụ; thay đổi phương pháp làm, quy trình kỹ thuật nuôi, đa dạng các đối tượng nuôi trong vùng dịch để hạn chế dịch bệnh trên thủy sản nuôi, nhất là con tôm.