Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận Nguyễn Hoàng Anh lo ngại, cho rằng: “Khó khăn hiện nay trong sản xuất tôm giống là diện tích nuôi thu hẹp, không đủ phát triển sản lượng, chất lượng. Thể tích sản xuất tôm giống trong địa bàn tỉnh đạt khoảng 50.000 m3. Đặc biệt từ khi Bộ Nông nghiệp & PTNT cho phép sản xuất giống tôm thẻ chân trắng đến nay thì diện tích nuôi loại tôm này không ngừng được mở rộng trên cả nước, nhu cầu về tôm giống liên tục tăng lên. Hiệp hội Tôm Bình Thuận cảnh báo, tôm giống của tỉnh nguy cơ không thể đáp ứng được nhu cầu thị trường nếu không được mở rộng diện tích đất sản xuất”. Nhu cầu con giống trong nước ngày một tăng, nguồn tôm bố mẹ phụ thuộc vào việc nhập từ nước ngoài như Mỹ, Thái Lan, Úc... do đó giá thành nhập khẩu tôm giống rất cao. Chính vì vậy, việc chủ động sản xuất tôm giống bố mẹ luôn được các doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm nhưng để làm được việc này cần kinh phí lớn; trong khi đó, điều kiện sản xuất tôm bố mẹ (vị trí, môi trường, cách ly an toàn sản xuất tôm bố mẹ) chưa an toàn do việc quy hoạch vùng nuôi tôm chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, một vấn đề được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là việc phát triển tôm giống sẽ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường biển, khói bụi của các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân nằm phía bên trên.
Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tôm giống quy mô vừa và nhỏ tại địa phương kiến nghị tỉnh, huyện Tuy Phong sớm đầu tư hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất tôm giống tập trung, vùng nuôi công nghiệp tại xã ven biển Chí Công diện tích 157 ha, đang thiếu kinh phí lâu nay. Hiện các ngành chức năng tỉnh, huyện Tuy Phong đang đẩy mạnh tiến độ triển khai hoàn thành kết cấu hạ tầng Khu sản xuất tôm giống tập trung tại xã Chí Công để ưu tiên phục vụ di dời các cơ sở sản xuất tôm giống về sản xuất tại đây. Tỉnh cũng đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, chính quyền địa phương cùng với doanh nghiệp tìm hướng tháo gỡ, tiếp tục duy trì sản xuất, giữ vững thương hiệu tôm giống Bình Thuận.