Mô hình hiện đang được Hợp tác xã nuôi tôm công nghiệp Tân Hưng phối hợp với Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Chánh Diện đầu tư sản xuất.
Qua một năm thành lập, đến nay từ 19 xã viên ban đầu nay nâng lên 31 xã viên. Năng suất thu hoạch cá biệt có đầm 9 tấn/1.800m², trung bình từ 5,5 – 7,5 tấn/1.800m². Quy trình Biofloc là một quy trình nuôi tôm công nghệ cao, khép kín.
Đến nay, do thiếu vốn nên các xã viên tự bỏ vốn để đầu tư sản xuất, chính từ việc thiếu vốn nên chưa có điều kiện nhân rộng; thêm vào đó là hạ tầng về điện chưa được đầu tư một cách đồng bộ đã phần nào ảnh hưởng đến sản xuất của bà con xã viên.
Các ngành chức năng tỉnh cho biết, hiện nay quy trình này vẫn chưa thật sự “kín”, Hợp tác xã cần tính toán đến yếu tố môi trường vùng nuôi; quan tâm hơn đến khâu xả thải, tránh gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Cần quy hoạch nuôi theo cụm; liên kết toàn chuỗi sản xuất lại, liên kết cả đầu vào và đầu ra sản phẩm.
Sau khi tham quan trực tiếp mô hình, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải rất hoan nghênh vì Hợp tác xã đã bước đầu đi đúng hướng, minh chứng là năng suất các vụ nuôi vừa qua đạt khá bởi mô hình mang tính sáng tạo trong kỹ thuật nuôi.
Nhưng, trong thời gian tới Hợp tác xã cần tổ chức sản xuất thành mô hình điểm và nhân rộng, hướng đến mô hình sản xuất bền vững; trong đó cần xác định yếu tố con giống và nước là quan trọng nhất; đặc biệt quan tâm đến yếu tố môi trường.
Tỉnh Cà Mau cũng đã xác định hướng đi tới sẽ là tôm công nghiệp năng xuất cao, tôm quảng canh cải tiến, tôm quảng canh.
Ngành chuyên môn và các địa phương phải tích cực hỗ trợ nông dân trong nuôi tôm; quan tâm đến bài toán quy hoạch trong sản xuất; đầu tư cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ để ngành tôm Cà Mau phát triển lâu dài.