Nguyên nhân khiến Bộ NN&PTNT có kiến nghị này là do trong thời gian qua các sản phẩm nông sản, vật tư nông nghiệp vào Việt Nam chủ yếu qua các đường mòn, lối mở, đường tắt bên ngoài khu vực cửa khẩu (nơi không có lực lượng hải qua, kiểm dịch họat động), tại đó lực lượng biên phòng không thể kiểm soát 24/24 nên cần có những hỗ trợ cho lực lượng thanh tra chuyên ngành để tăng cường kiểm tra, kiểm soát.
Theo Bộ NN&PTNT trong thời gian qua một số lượng không nhỏ các mặt hàng như thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng nằm ngoài danh mục lưu hành, động vật trên cạn như gà và một số lượng tôm, cá giống, cá tầm nhập lậu qua các tỉnh biên giới đã được các cơ quan kiểm chức năng bắt giữ song trên thực tế những mặt hàng bị bắt giữ ít hơn nhiều số lượng được đưa vào tiêu thụ trong nước.
Phương thức vận chuyển là thuê các đầu nậu thuê nhân công vận chuyển theo hình thức nhỏ lẻ đi qua đường mòn, lối mở, sau đó gom lại tại một đầu mối rồi vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ.
Hàng lậu nhập khẩu theo kiểu này hiện rất đa dạng về chủng loại và khối lượng, gây tổn hại rất lớn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, hiện tại nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có gốc phốt pho hữu cơ và clo hữu cơ nên những nước có sản xuất những loại thuốc bảo vệ thực vật này thường bán với giá rẻ.
"Do trong nước đã cấm sử dụng nhưng đây là những thuốc bảo vệ thực vật có khả năng diệt sâu bọ cao nên vẫn được người dân sử dụng vì thế mới có chuyện nhập khẩu các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài doanh mục nói trên", ông Dũng nói.
Bộ NN&PTNT cho biết, mặc dù tỉnh An Giang đã phối hợp với các cơ quan chức năng bắt được một số lô hàng đường nhập lậu song trên thực tế lượng nhập lậu chưa khống chế hiệu quả. Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) tuy các cơ quan chức năng đã bắt được một số lượng đường nhập lậu nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ so với đường nhập lậu đang được các bán tại các tỉnh phía Nam.
Ông Hải cho biết, trung bình mỗi năm lượng đường nhập lậu vào Việt Nam khoảng 400.000 tấn.
Với lý do hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản trong nước mới đây Bộ NN&PTNT cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương không đưa các loại thủy sản là cá hồi, cá tầm, tôm nước lạnh vào danh mục hàng hóa được sản xuất từ Campuchia nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới. Nếu nằm trong danh mục này, những loại thủy sản nói trên sẽ không chịu thuế nhập khẩu hiện hành.