Ngay sau khi Bộ Công Thương công bố toàn văn Hiệp định TPP vào ngày 5/11, sáng nay (6/11), Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội thảo "TPP: Triển vọng và giải pháp cho ngành nông nghiệp". Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cùng Thứ trưởng Bộ Công Thương và cũng là Trưởng đoàn Đàm phán TPP - Trần Quốc Khách đã chủ trì Hội thảo. Hội thảo còn có sự tham gia của Đại sứ quán Mỹ - một đối tác quan trọng trong TPP và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong số các mặt hàng nông nghiệp, chăn nuôi bị đánh giá, sẽ đối mặt với nhiều tác động tiêu cực nhất. Hơn 1 triệu nông hộ làm chăn nuôi sẽ là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng đầu tiên. Tại Hội thảo, một số gợi ý đã được đưa ra như: Với thịt bò, nên tăng cường đầu tư sang Australia và New Zealand - hai quốc gia thành viên TPP; với thịt lợn và gia cầm, cần tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của gia trại, trang trại; phát triển các mặt hàng có lợi thế như lợn sữa, gà lông màu và thuỷ cầm; cùng với đó là xây dựng hàng rào kỹ thuật theo chuẩn quốc tế. Trái với chăn nuôi, 5 ngành hàng sẽ nhận được tác động tích cực từ TPP ở mức cao và trung bình là rau quả, thủy sản, gạo, cà phê - điều - cao su và gỗ.
Kết luận tại Hội thảo, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương cam kết sẽ đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp trong suốt chặng đường TPP. Bộ Trưởng Cao Đức Phát cho biết, sẽ nghiên cứu điều chỉnh lại chiến lược phát triển chăn nuôi, đặc biệt là thời kỳ 2016 - 2020, để đáp ứng các yêu cầu của TPP.