Lươn đồng, danh pháp khoa học là Monopterus, là một cá thuộc họ lươn. Chúng phân bố rộng, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là ở vùng nhiệt đới. Lươn thích hợp với môi trường ẩm ướt như ao hồ, sông rạch, ruộng lúa,... chui rúc vào trong đất ẩm. Lươn là loài thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao và vô cùng bổ dưỡng. Những năm gần đây, lươn ngày càng được ưa chuộng trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, nguồn lươn từ tự nhiên không đủ đáp ứng, do đó, nuôi lươn nhân tạo trở thành một nghề sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khi ương lươn từ bột lên giống thức ăn tươi sống như moina, trùn chỉ, trong nuôi thịt thì cá tạp được sử dụng phổ biến. Hiện nay, một số hộ sử dụng thức ăn viên để nuôi lươn, tuy nhiên trên thị trường, thức ăn sản xuất riêng cho lươn còn hạn chế. Để phát triển nghề nuôi lươn bền vững thì việc sử dụng thức ăn chế biến nuôi lươn là rất cần thiết.
Thức ăn là một trong những chi phí quan trọng quyết định đến hiệu quả kinh tế của người nuôi, chi phí này thường chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 70% tổng chi phí nuôi của các loài thủy sản nói chung. Chất đạm là thành phần dưỡng chất đắt nhất trong khẩu phần thức ăn của động vật thủy sản, thức ăn cung cấp đạm thường chiếm tỷ trọng 60–80% giá trị của một loại thức ăn nên rất nhiều nghiên cứu về dinh dưỡng cá đã tập trung làm giảm tỷ lệ đạm động vật (chủ yếu là bột cá) trong thức ăn và tìm ra nguồn đạm động vật khác hay đạm thực vật để thay thế bột cá. Trong chế biến thức ăn thủy sản, bột cá được xem là nguồn protein tốt nhất. Tuy nhiên, sản lượng bột cá ngày càng khan hiếm, giá thành ngày càng tăng nên giá thành thức ăn cũng tăng cao, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi. Hiện nay có nhiều nghiên cứu về việc thay thế bột cá bằng các nguồn protein thực vật rẻ tiền so với bột cá… Trong các nguồn đạm thực vật, bột đậu nành được xem là một nguồn đạm có nhiều triển vọng nhất khi thay thế một phần hoặc hoàn toàn bột cá trong khẩu phần thức ăn của cá, bởi vì nó có hàm lượng đạm cao, cân bằng các axít amin thiết yếu, nguồn cung cấp ổn định và có giá hợp lý (Hertrampf and Piedad-Pascual, 2000).
Bột đậu nành làm nguồn protein cho cá có thể liên quan đến chất lượng và cách chế biến, sự thay đổi trong công thức thức ăn và sự khác biệt về loài cá cũng như kích cỡ và hệ thống nuôi. Những hạn chế chính trong việc sử dụng bột đậu nành là do hàm lượng methionine thấp và sự hiện diện của các yếu tố chống dinh dưỡng chẳng hạn như chất ức chế protease, carbohydrate khó tiêu hóa, lectins, saponin và phytates (Liu, 1997). Do đó, việc chế biến bột đậu nành thay thế bột cá làm thức ăn thủy sản cần phải cẩn trọng về cách chế biến và liều lượng, đảm bảo cho đối tượng thủy sản vẫn đảm bảo nguồn dinh dưỡng và tăng trưởng, phát triển tốt.
Kết quả nghiên cứu Wang et al., 2006 cho thấy khi sử dụng bột đậu nành hoặc kết hợp bột nành với các nguồn protein khác có thể thay thế bột cá dao động từ 30-75% khi làm thức ăn cho một số loài cá như cá đù (Nibea miichthioides), cá tráp mõm nhọn (Diplodus puntazzo), cá da trơn Nam Mỹ (Silurus meridionalis), cá chỉ vàng (Lutjanus argentimaculatus) và cá rô phi vằn giống (Oreochromis niloticus) (Harnández et al., 2007; Ai and Xie, 2007; Catacutan and Pagador, 2004; El-Saidy and Gaber, 2002).
Nghiên cứu mới đây của PGS.TS. Trần Thị Thanh Hiền và ctv, 2019 đã tiến hành nghiên cứu đánh giá khả năng thay thế protein bột cá bằng protein bột đậu nành ly trích dầu trong khẩu phần thức ăn của lươn ở giai đoạn giống, kích cỡ 7,2 g/con. Sáu nghiệm thức thức ăn được phối chế có cùng mức protein (45%) và năng lượng (18,5 KJ/g), với các mức thay thế protein bột cá bằng protein bột đậu nành lần lượt là 0% (đối chứng), 20%, 30%, 40%, 50% và 60%. Sau 8 tuần thí nghiệm, tỉ lệ sống của lươn ở các nghiệm thức đạt cao, dao động từ 95,0- 98,9%, không khác biệt với nghiệm thức không thay thế bột cá.
Các chỉ tiêu về tăng trọng (WG), hệ số thức ăn (FCR) và hiệu quả sử dụng protein (PER) của lươn ở nghiệm thức đối chứng khác biệt không có ý nghĩa so với lươn ở các nghiệm thức 20% và 30% protein bột đậu nành. Điều này chứng minh rằng bột đậu nành có thể là nguồn protein thay thế bột cá trong chế biến thức ăn nuôi lươn.
Từ nghiên cứu bà con có thể sử dụng 30% protein bột đậu nành thay thế protein bột cá mà không ảnh hưởng đến tỉ lệ sống, tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của lươn, góp phần giảm giá thành thức ăn và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Theo nghiên cứu PGS.TS. Trần Thị Thanh Hiền và ctv, 2019 đăng trên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 55, Số 2B (2019): 96-103.